Được cứu sống ngay bên “cửa tử”, người phụ nữ ấy vỡ òa niềm hạnh phúc vô bờ bến. Với chị, đó không chỉ là lòng biết ơn mà còn là niềm khâm phục đối với những “lương y như từ mẫu”.
Ca bệnh nguy kịch
Chiều 25/5, BS.CKII Hà Sơn Bình, phụ trách khoa Hồi sức chống độc (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) cho biết vừa cứu trường hợp sản phụ thai tử lưu, suy hô hấp cấp rất nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân là chị Hồ Thị N., 24 tuổi, ngụ huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Người thân cho biết, một tháng trước, chị N. mang thai 24 tuần. Chị N. cảm thấy mệt, sốt, ho, khó thở nên tự uống thuốc ở nhà ba ngày.
Tình trạng bệnh không cải thiện nên gia đình đưa chị N. đến trung tâm Y tế huyện Phước Sơn. Sau đó, chị N. được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi điều trị 6 ngày. Do bệnh tình ngày càng nặng, chị N. tiếp tục được chuyển ra bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, người trực tiếp điều trị cho biết, chị N. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, tổn thương phổi cấp tính, trụy mạch, nồng độ oxy hóa máu giảm sâu, thai 24 tuần tử lưu.
“Sau khi hội chẩn viện, các bác sĩ tiến hành cấp cứu mổ lấy thai tử lưu, cho bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và sử dụng hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Bác sĩ Hiếu cùng bệnh nhân N. |
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tổn thương đa cơ quan, có lúc phổi bệnh nhân chỉ sử dụng được 10%. Vì thế, ngoài ECMO phải tiến hành hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu phối hợp.
Tình người lấp lánh
“Hiện, bệnh nhân đã cai thở máy, sức khỏe ổn định, nói chuyện, đi lại bình thường và được xuất viện sau hơn 1 tháng được điều trị tích cực”, bác sĩ Hiếu vui mừng thông báo.
Còn bác sĩ Hà Sơn Bình chia sẻ, việc tiến hành ECMO, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân này rất phức tạp, không như những ca ECMO khác bởi nồng độ oxy hóa máu bệnh nhân quá thấp. Nếu các biện pháp thở máy, can thiệp ECMO không hiệu quả sẽ để lại các biến chứng nặng nề hoặc nguy cơ tử vong cao. Vì thế, bệnh nhân luôn được theo dõi bởi quy trình nghiêm ngặt, các biến đổi của bệnh nhân dù nhỏ nhất đều được ghi nhận và xử lý kịp thời.
Vị bác sĩ cho biết thêm, bệnh nhân N. là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chi phí điều trị ngoài danh mục Bảo hiểm y tế quá lớn, gia đình lại không có tiền để đóng viện phí ban đầu. Trước tình thế cấp bách, khoa Hồi sức chống độc xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện cho nợ viện phí, cứu sống bệnh nhân. Với mục tiêu tính mạng bệnh nhân là trên hết, bệnh viện đã bảo lãnh, duyệt nợ và tiến hành can thiệp ECMO cho bệnh nhân.
“Hiện tại, thông qua sự kết nối, kêu gọi của phòng Công tác Xã hội bệnh viện, các tổ chức, cá nhân đã kịp thời hỗ trợ một phần viện phí cho bệnh nhân. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng được hỗ trợ ăn uống trong suốt hơn 1 tháng chăm bệnh. Sau khi xuất viện, bệnh nhân còn được Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng đưa về miễn phí tận nhà”, bác sĩ Bình nói.
Chị N. xúc động: "Trong lúc thập tử nhất sinh, chúng tôi may mắn được các bác sĩ cứu chữa. Tôi buồn vì mất con. Tuy nhiên, nếu không có sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ thì có lẽ, tôi cũng không thể giữ được mạng sống của mình. Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện cũng giúp đỡ rất tôi rất nhiều trong những ngày điều trị ở đây. Tôi sẽ nhớ mãi những gương mặt này".
Cách đây ít ngày, bệnh viện Phụ sản Hùng Vương TP.HCM phẫu thuật thành công, cứu sống thai nhi bị dây rốn quấn cổ 2 vòng, quấn bụng 2 vòng và quấn chéo từ cổ xuống bụng 2 vòng. Đó là bé trai có cân nặng hơn 2,1kg, con đầu của sản phụ P.V.A.T (30 tuổi). Theo bác sĩ, đây có thể được xem là một trường hợp hi hữu nhưng thành công và may mắn. Vì với 6 vòng dây rốn quấn chặt nên việc mất tim thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có dấu hiệu báo trước, bất kể việc theo dõi chặt chẽ tới mức nào. Bác sĩ cho biết, tình trạng dây rốn quấn cổ nhiều vòng tuy không thường xuyên nhưng vẫn là ít gặp, nhưng đây là trường hợp hầu như chưa từng thấy, vì dây rốn quấn liên tục ở 3 vị trí và mỗi vị trí đều có 2 vòng, tất cả các vòng đều chặt. Bác sĩ cũng không thể giải thích được cơ chế hay lý do khiến dây rốn quấn như trên, nhưng điều kỳ diệu là không tới mức gây tử vong cho thai nhi. Việc dây rốn quấn có thể là nguyên nhân chính làm giảm lưu lượng máu qua thai dẫn đến hậu quả thai suy dinh dưỡng nặng. Trước đó, ngày 3/4 thai phụ nhập viện khi thai 29 tuần. Thai phụ có nhiều nguy cơ như cao huyết áp, đái tháo đường, thai chậm tăng trưởng nên được theo dõi chặt chẽ, điều trị tích cực tại khoa Sản bệnh viện. Sau 7 tuần điều trị tích cực, các bác sĩ đã thành công trong việc kéo dài thai kỳ hơn 1,5 tháng an toàn, các chỉ số sinh học của sản phụ được kiểm soát tốt và tình trạng thai nhi có cải thiện, cơ hội sống đã được cải thiện rất đáng kể dù không như kỳ vọng. |
Nguyễn Duy Cường
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (85)