+Aa-
    Zalo

    Nghi vấn “truyền vong báo oán” ở chùa Ba Vàng: “Vấn đề về vong không thuộc học thuyết của Phật giáo”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trước thông tin được đăng tải trên báo chí về việc “Truyền bá vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ”, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia về văn hoá tâm linh.

    Trước thông tin được đăng tải trên báo chí về việc “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ”, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia về văn hoá tâm linh.

    Mới đây, theo thông tin phản ánh trên báo chí, tại chùa Ba Vàng (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) có hoạt động gọi vong. Cụ thể, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa.

    Theo đó, cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày, tại chùa Ba Vàng sẽ diễn lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng ngàn người tham dự/đợt. Còn vào ngày mồng 8 (âm lịch) hàng tháng, không chỉ diễn ra khóa tu “Bát quan trai giới” mà còn là ngày nhà chùa tổ chức thỉnh vong giải nghiệp cho những người có nhu cầu, trung bình mỗi người đến thỉnh vong giải nghiệp phải nộp tiền cúng dường (công đức) vào nhà chùa từ 3 triệu đồng đến cả chục triệu đồng.

    Thông tin truyền bá chuyện vong báo oán ở chùa Ba Vàng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Lao Động.

    Thông tin này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, không ít ý kiến cho rằng con người đang bị lợi dụng trong lĩnh vực văn hoá tâm linh.

    Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển) bày tỏ: “Văn hoá tâm linh vốn có từ lâu trong đời sống của người Việt, hoạt động cúng vong hay tiễn vong… cũng xuất hiện trong dân gian. Còn tại nhà chùa, theo chính những nhà tu hành có chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vấn đề về vong, giải hạn, sao giải hạn… không thuộc học thuyết của Phật giáo. Chính những nhà tu hành cũng đã lên án, phê phán việc này”.

    PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng đây là việc lợi dụng tâm linh để "buôn thần bán thánh".

    Như thông tin báo chí phản ánh tại chùa Ba Vàng mới đây, theo PGS.TS Lê Quý Đức, điều này là trái với quan điểm của Phật pháp.

    “Lợi dụng tâm linh để kiếm tiền như “buôn thần bán thánh”, hành động này không phù hợp với nhà chùa. Theo báo chí phản ánh, mỗi một lần đến giải nghiệp người dân phải nộp cúng dường cả vài triệu đồng, tôi cho rằng thu nhiều tiền như vậy xét về mặt kinh tế, đây là sản phẩm dịch vụ tâm linh quá cao so với mức sống của người dân hiện nay.

    Về mặt tâm linh, làm xấu đi hình ảnh của nhà chùa, nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh, Phật không phải là một thần linh mà Phật là một tấm gương, là một phương pháp tu luyện để con người đạt được hạnh phúc, mà bây giờ lại đi thu lợi như vậy là trái với tín nhiệm của công chúng đối với nhà chùa.

    Về mặt xã hội, đã truyền bá điều duy tâm, phản nhân văn trong đời sống xã hội, gây ra tâm lý hoang mang, bi quan trong dư luận”, PGS.TS Lê Quý Đức phân tích dưới 3 góc độ.

    Chùa Ba Vàng mỗi năm thu hút rất đông du khách hành hương tham quan, vãn cảnh chùa.

    Từ những phân tích trên, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, việc tiến hành giải vong là việc làm không chính đáng, cần phê phán và cần phải dừng lại ngay. Việc truyền bá mê tín dị đoan như vậy là không chấp nhận được.

    Trước đó, trong ngày 20/3, liên quan đến việc dư luận cho rằng có hoạt động truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn hoả tốc.

    Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu TP.Uông Bí chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hoá – Thể thao, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung thông tin báo chí phản ánh; có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có); thông tin cho các cơ quan báo chí biết kết quả giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/3.

    Chiều 20/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, nhận được văn bản hỏa tốc kể trên, ngay trong ngày 20/3, UBND TP.Uông Bí đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Công an, cơ quan tổ chức Nội vụ, phòng Văn hóa thông tin, ban Dân vận, ban Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc đến chùa Ba Vàng để xác minh làm rõ những nội dung báo nêu.

    Trả lời câu hỏi của PV về việc chính quyền TP.Uông Bí có biết việc chùa Ba Vàng truyền bá chuyện vong báo oán, thu lời trăm tỷ, không kiểm soát được nguồn tài chính này hay không, hay chỉ biết khi báo chí phản ánh? Một vị lãnh đạo TP.Uông Bí cho hay: “Việc này chúng tôi nghe thông tin từ dư luận đã lâu, thành phố đã có những cuộc làm việc với nhà chùa cũng như ban trị sự chùa và đã có những công văn chỉ đạo".

    Về vai trò của người đàn bà có tên Phạm Thị Yến, người trực tiếp rao giảng về câu chuyện vong báo oán, truyền bá mê tín dị đoan, lãnh đạo TP.Uông Bí nói thêm, cơ quan chức năng đang xác minh bà Yến này là ai, có thuộc ban trị sự của chùa Ba Vàng không. Việc có cá nhân hoặc tổ giám sát các hoạt động của chùa cũng đang được tiến hành.

    “Quan điểm của chúng tôi là nếu sai phạm đúng như báo chí phản ánh thì sẽ đề xuất các đơn vị chức năng có thẩm quyền xử lý nghiêm, không bao che, làm ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo địa phương cũng như trên địa bàn tỉnh”, lãnh đạo TP.Uông Bí nói.

    Thanh Lam

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-van-truyen-vong-bao-oan-o-chua-ba-vang-van-de-ve-vong-khong-thuoc-hoc-thuyet-cua-phat-giao-a267531.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan