(ĐSPL) - Anh Võ Phi Long từng là thư ký trường quay của bộ phim "Tình người xứ hoa" đã chia sẻ với báo Đời sống và Pháp luật về chuyện anh bị đạo diễn hành hung và quỵt tiền.
Từ lâu trong giới làm phim, chuyện tiền bạc luôn là một vấn đề nhạy cảm mà ít người chủ động đề cập đến. Đôi khi những trường hợp làm xong phim mà nhiều người tham gia làm phim không được nhận tiền là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chuyện chẳng những không trả tiền mà còn hành hung người khác là chuyện khó mà chấp nhận được. Là một người trong cuộc, anh Võ Phi Long, thư ký trường quay bộ phim Tình người xứ Hoa đã tìm đến Phóng viên (PV) báo Đời sống và Pháp luật phản ánh về việc anh bị đạo diễn Lê Hồng Sơn hành hung. Khi mà trước đó, lúc đang khó khăn trong vấn đề làm bộ phim Tình người xứ Hoa, vị đạo diễn này đã gọi điện nhờ anh giúp đỡ để hoàn thành bộ phim này.
"Không lấy được tiền, tôi còn bị anh ấy hành hung"
Sáng 16/4, trao đổi với PV tại TP.HCM, anh Long bức xúc cho hay: "Ngay từ đầu, khi bộ phim Tình người xứ Hoa của hãng phim Vàng Miền Nam chưa bấm máy, anh Lê Hồng Sơn có điện thoại mời tôi tham gia. Nhưng lúc đó, tôi đang có công việc khác nên từ chối. Một thời gian sau, khi bộ phim đã khởi quay được 10 tập phim, anh Sơn có gọi cho tôi một lần nữa nói: “Thư ký đạo diễn bỏ việc nửa chừng mày lên cứu bồ giúp anh với”. Vì quen biết đã lâu nên tôi cũng nể tình mà giúp anh. Khi điện thoại trao đổi với nhau trên tình nghĩa anh em, tôi nhận lời làm thư ký trường quay cho anh với giá mỗi tập phim là hai triệu đồng và anh Sơn cũng đồng ý. Ngoài ra, giữa chúng tôi có giao kèo thêm rằng, trước khi đi lên Đà Lạt để nhận việc, tôi mượn tiền của người thân mua những vật dụng để hành nghề, khi lên đó anh Sơn sẽ thanh toán lại".
Anh Long chia sẻ thêm: "Khi lên đến đoàn làm phim, không thấy anh Sơn đả động gì đến chuyện tiền bạc, tôi nghĩ chỗ anh em trước không đưa thì sau cũng đưa nên tôi cũng không đề cập đến. Sau đó, tôi làm hơn 10 tập phim, thấy anh em diễn viên trong đoàn nhận tiền còn tôi thì chưa được nhận nên nóng ruột quá mới hỏi anh Sơn chuyện tiền nong của mình. Nguyên do là tôi bị người nhà hối thúc đưa tiền để trả những vật dụng đã mua trước đó. Khi đề cập đến vấn đề này thì tôi nhận được câu trả lời: "Đ.m chỗ anh em với nhau, sao tối ngày gặp mặt tao mày cứ nói đến chuyện tiền bạc thế". Trong khi đó, gần cả tháng nay tôi chưa hề nói đến chuyện tiền nong với anh bao giờ".
Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng giữa anh Long và đạo diễn Sơn cũng có nhiều vấn đề. Anh Long nói: "Hợp đồng thì anh Sơn chẳng đưa, mặc dù tôi có hỏi nhiều lần. Bởi vì trên nguyên tắc, trước khi nhận việc thì phải làm hợp đồng. Tôi mới nói với anh Sơn rằng: “Khi người thư ký cũ bỏ việc chỉ để lại tập kịch bản mà không ghi rõ phân đoạn nào chưa quay, phân đoạn nào đã hoàn thành”. Em phải đi hỏi từng diễn viên tới nhân sự xem những phân đoạn nào đã hoàn thành. Trước đó, tôi và anh Sơn đã thỏa thuận là tôi chỉ làm thư ký trường quay nhưng thực tế tôi gần như làm luôn công việc trợ lý cho anh Sơn, từ nhắc thoại hiện trường, vừa làm lịch kế hoạch quay trong ngày... Trong khi đó, những công việc này không phải là trách nhiệm của tôi".
Khi nghe anh Long nói thế, đạo diễn Sơn mới bảo: "Thôi được rồi, mai tôi sẽ đưa hợp đồng cho cậu". Nhưng đến gần một tuần sau, đạo diễn Sơn mới đưa hợp đồng cho anh Long ký. Trong hợp đồng có ghi rằng thù lao của anh Long là hai triệu đồng mỗi tập phim, đúng với thỏa thuận trước đó. Anh Long cho hay: "Khi đọc kỹ hợp đồng, tôi phát hiện trong hợp đồng còn kèm thêm công việc của tôi là "thư ký trường quay kiêm hậu kỳ". Trong khi đó, khi làm phim cho Nhà nước, nếu tôi kiêm cả công việc hậu kỳ thì phải có thêm khoản thù lao cho công việc đó. Vì vậy, tôi trình bày với anh Sơn là tại sao lại ghi thêm vị trí đó mà không thỏa thuận từ trước. Nghe tôi nói, anh Sơn văng tục rồi nói: "Chỗ anh em mà mày cứ soi từng chữ với anh là sao, làm được thì làm không được thì mày biến mẹ nó đi!". Thực sự nghe anh nói thế tôi rất buồn. Bởi chỗ tình nghĩa với nhau, lúc anh khó khăn thì nhờ tôi giúp. Tiếng trước tiếng sau, tôi đều xưng em gọi anh, nhưng mở miệng ra là anh đều kèm theo tiếng chửi tục làm tôi thấy chán nản. Do đó, tôi quyết định chấm dứt công việc".
Anh Võ Phi Long. |
Người trong cuộc nói gì?
Khi biết anh Long bỏ việc, nhiều anh em trong đoàn làm phim khuyên anh Long đốt hay xé hết những giấy tờ mà anh Long đã làm trong thời gian qua. Nhưng với lương tâm nghề nghiệp, anh Long đã không làm vậy. Anh Long tâm sự: "Hoàn thành một tập phim là công sức của tất cả anh em trong đoàn, chứ không phải của riêng tôi. Trong trường hợp này, nếu tôi làm vậy thì công việc hoàn thành bộ phim đúng thời hạn sẽ chậm trễ đi rất nhiều. Bởi vậy, tôi đã gom hết những tài liệu mà tôi làm nộp lại cho chủ nhiệm phim rồi soạn hành lý ra về. Mặc dù vậy, không biết nghe thông tin từ đâu mà khi tôi chuẩn bị lên taxi ra về thì anh Sơn từ xa đi đến lôi tôi ra khỏi xe không nói không rằng mà đánh tôi, chắc anh Sơn tưởng tôi đem đốt hết những tài liệu đó đốt đi thật".
"Mặc dù vụ việc xảy ra đã lâu nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nhận được số tiền mà mình đáng được nhận. Anh em diễn viên biết chuyện đều khuyên tôi nên làm đơn kiện để đòi lại công bằng. Nhưng đối với anh Sơn dù sao cũng là chỗ tình nghĩa nên tôi không làm vậy. Hôm nay, khi nói ra chuyện này, khiến tôi không nghĩ sẽ lấy lại được số tiền công của mình mà chỉ muốn giải tỏa những bức xúc mà tôi đã phải chịu từ đó đến nay", anh Long trải lòng với PV.
Trước những thông tin phản ánh của anh Long, PV gọi điện đến đạo diễn, kiêm nhà sản xuất Lê Hồng Sơn để tìm hiểu về vụ việc. Đạo diễn Sơn cho biết: "Tất cả những gì mà anh Long nói là hoàn toàn sai sự thật, tôi chưa từng hành hung anh ta, mà chỉ có anh ta cùng vợ mình xông vào đánh tôi ở Đà Lạt, trước sự chứng kiến của nhiều người. Còn chuyện anh ta nói rằng tôi không trả lương là không có căn cứ. Trong khi đó, anh Long và vợ của mình đã ứng của đoàn phim gần chục triệu đồng. Đến khi làm chưa được 10 ngày, anh ta bỏ ngang công việc làm, khiến tôi điêu đứng không biết phải xử lý cách nào cho kịp tiến độ hoàn thành phim. Ngoài ra, nếu anh Long nói rằng tôi không trả lương và hành hung Long thì Long có thể làm đơn kiện tôi và đem những giấy tờ hay hợp đồng cụ thể ra để làm bằng chứng chứ người lớn với nhau không nên đôi co với nhau trên mặt báo thế này".
Anh Long cũng cho biết thêm: "Trước khi bắt đầu công việc, kế toán có đưa cho tôi một số giấy tờ như tiền cơm, tiền nước này nọ và bắt tôi phải ký. Dân trong nghề ai cũng biết đó là tiền ký khống chứ thực ra tôi chưa nhận được gì cả. Riêng về việc kiện tụng tôi xin nói lại lần nữa là tôi đưa vấn đề này ra nhằm giải tỏa những bức xúc của mình chứ không muốn làm lớn chuyện để mất tình nghĩa anh em trong nghề. Những diễn viên trong đoàn phim đều biết tôi làm ở đó bao lâu chứ không phải chỉ gần chục ngày như lời anh Sơn nói, còn chuyện tiền bạc thế nào thì ai cũng biết nhưng vì cả nể và cũng vì chén cơm nên ngại phải đứng ra nói giúp cho tôi thôi. Còn với anh Sơn, khi tôi đã nói ra chuyện này thì tôi không ngại gì đối mặt với anh vì những chuyện này đều là sự thật”.
Một cảnh trong bộ phim Tình người xứ Hoa. |
"Sau chuyện này dù có bỏ nghề tôi cũng không hối tiếc" Anh Long cho biết: "Thực sự chuyện nhà sản xuất không trả tiền, thậm chí còn khiêu khích hay hành hung đối với diễn viên, thư ký trường quay là không hề hiếm mà nó còn diễn ra thường xuyên nữa là khác. Hay chuyện các đạo diễn có những lời lẽ thô tục đối với nhân sự trong đoàn làm phim cũng xảy ra thường xuyên. Các diễn viên hay những thư ký trường quay như tôi, đa số thấp cổ bé họng, nói ra sợ bị trù dập nên tất cả đều chọn cách im lặng. Khi tôi quyết định nói ra vấn đề này, tôi biết thời gian tới công việc sẽ khó khăn. Tôi theo nghề đã hơn 20 năm, yêu thì yêu lắm, nhưng gặp phải những trường hợp như thế này, mình mà im lặng thì không chịu được, cho dù có phải bỏ nghề đi nữa tôi cũng không hối hận điều mình đã nói". |