(ĐSPL) – “Nếu lấy sản phẩm từ Trung Quốc thì doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc trên nhãn dán. Nếu làm ở Trung Quốc mà lại ghi là làm tại Việt Nam hay quốc gia khác là không thể được” - Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng – Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết.
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, ngày 16/7 một loạt các nhãn hàng khăn ướt của công ty Cổ Phần TM&DV Việt Úc bị rút khỏi kệ hàng trong hệ thống thị siêu Sài Gòn Co.op để chờ xử lý.
Động thái này của siêu thị Sài Gòn Co.op được cho rằng nhằm làm rõ những nghi vấn của BabiCare về việc lừa dối người tiêu dùng trong được các báo phản ánh vừa qua. Đó là việc BabiCare đánh tráo nhãn thành BabyCare, hàng xuất xứ Trung Quốc song vẫn in hoặc dán đè mã vạch của Úc hoặc Việt Nam, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Ngoài BabiCare, các nhãn hàng khăn ướt khác của Công ty Việt Úc như: TeenCare,WonderCare, WeCare… cũng đều bị đưa ra khỏi kệ siêu thị.
Siêu thị Sài Gòn Co.op chờ câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng mới tiếp tục xem xét tới việc cho phép BabiCare được bán tiếp hay không.
Hành động đặt lợi ích, quyền lợi của khách hàng lên trên hết của siêu thị Sài Gòn Co.op được người tiêu dùng cả nước hoanh nghênh. Đồng thời, dư luận đặt ra câu hỏi về nghi vấn công ty Cổ Phần TM&DV Việt Úc lừa dối người tiêu dùng.
Để rộng đường dư luận, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng – Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam .
Đánh giá về sự minh bạch của doanh nghiệp với sản phẩm khi đưa ra thị trường, vị Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng cho biết.
“Sản phẩm của doanh nghiệp khi đưa ra thị trường thì có rất nhiều vấn đề cần đề cập. Đầu tiên sản phẩm phải phải có sự minh bạch, luật pháp chúng ta có những quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường. Như quy định về nhãn mác, từ khâu sản phẩm, đến những khâu khác…. Ví dụ như sản phẩm khăn giấy thì càng cần phải kiểm dịch cẩn thận vì nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Về nhãn mác, sản phẩm có những chất gì được tạo thành thì phải ghi rõ ra sản phẩm để người tiêu dùng biết, đó là điều bắt buộc. Nếu những chất đó tiềm tàng gây ra sự nguy hiểm cho sức khỏe con người thì không thể được sử dụng”.
“Về xuất xứ của sản phẩm, rõ ràng phải minh bạch trong chuyện này. Nếu lấy sản phẩm từ Trung Quốc thì doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc trên nhãn dán. Nếu làm ở Trung Quốc mà lại ghi là làm tại Việt Nam hay quốc gia khác là không thể được. Việc ghi nhãn mác phải chính xác đã được Chính phủ quy định rất rõ ràng, doanh nghiệp không thể lừa dối người tiêu dùng được”.
Đánh giá về việc một loạt các nhãn hàng khăn ướt của công ty Cổ Phần TM&DV Việt Úc bị rút khỏi kệ hàng trong hệ thống thị siêu thị Sài Gòn Co.op, Ông Đỗ Ngọc Chính cho hay:
“Hiện nay dư luận xã hội đang rất quan tâm tới chất lượng của sản phẩm khăn ướt trên thị trường. Đây là vấn đề rất đáng được chú ý, mới đây Bộ Y tế cũng vừa bổ sung về các chất cấm dùng trong sản phẩm mỹ phẩm bởi những nguy cơ cho sức khỏe và tác động đến hệ nội tiết. Đáng chú ý, khăn ướt có các chất này đang tràn ngập thị trường (sản phẩm Baby Care, trong thành phần công bố trên bao bì ghi rõ có chất bảo quản bị cấm Methylisothiazolinone)”.
“Việc siêu thị Sài Gòn Co.op không nhập hàng của công ty Cổ Phần TM&DV Việt Úc là quyền của họ. Có thể họ xét xem tiêu chí về sản phẩm của doanh nghiệp kia có phù hợp với yêu cầu của họ không, nhất là phù hợp với quy định của luật pháp không, sản phẩm của doanh nghiệp mà nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng hay không có nhãn mác đầy đủ… thì đó là những yếu tố để họ không sử dụng”.
“Nếu trường hợp khăn giấy ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thì hội sẽ liên hệ với bên y tế, cũng như các cơ quan liên quan để bảo vệ người tiêu dùng” - Ông Đỗ Ngọc Chính nhấn mạnh.
XUÂN TÙNG
[mecloud]hwnpW7Viyo[/mecloud]