VOV dẫn nguồn RT đưa tin, ông David Arakhamia - nghị sĩ cấp cao, đồng thời là trưởng phái đoàn Ukraine trong cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul cho biết Moscow đã đề xuất một thỏa thuận hòa bình với Kiev vào tháng 3/2022 nhưng phía Ukraine không tin tưởng Nga.
"Mục tiêu của Nga là gây áp lực lên chúng tôi để chúng tôi giữ thái độ trung lập. Đây là vấn đề chính đối với họ: Họ sẵn sàng kết thúc xung đột nếu chúng tôi chấp nhận trung lập, giống như Phần Lan đã từng làm. Và chúng tôi cần cam kết sẽ không gia nhập NATO. Đây là vấn đề chính", ông cho biết.
Theo ông Arakhamia, việc đồng ý trung lập và từ bỏ hy vọng gia nhập NATO buộc Ukraine phải thay đổi hiến pháp.
"Thứ hai, chúng tôi không có sự tin tưởng vào Nga rằng họ sẽ làm như vậy. Điều này chỉ có thể được thực hiện với những đảm bảo an ninh". Ngoài ra, ông cũng cho biết Thủ tướng Anh khi ấy là ông Boris Johnson đã bay đến Kiev và đề nghị Ukraine tiếp tục chiến đấu thay vì thoả hiệp với Nga.
VTC News cho biết, đây là lần đầu tiên một chính trị gia Ukraine chính thức lên tiếng bình luận về nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán hoà bình giữa Nga - Ukraine bị trì hoãn từ mùa xuân năm 2022 tới nay.
Trước đó, nguồn tin của Ukrayinska Pravda cũng tiết lộ cựu Thủ tướng Johnson đã tác động tới tiến trình đàm phán giữa 2 bên. Cả ông Johnson và Mỹ từ trước đến nay chưa từng lên tiếng về việc gây áp lực cho Kiev và khiến họ hủy bỏ dự thảo thỏa thuận hoà bình với Nga.
Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Moscow và Kiev đã ký một dự thảo thỏa thuận "về những đảm bảo an ninh và trung lập vĩnh viễn cho Ukraine" tại cuộc đàm phán do Thổ Nhỹ Kỳ làm trung gian. Nhưng ngay sau khi Nga rút quân khỏi khu vực Kiev như một cử chỉ thiện chí, Ukraine đã từ bỏ thỏa thuận, ông Putin nói.
Mới đây, ngày 22/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 rằng, Nga chưa bao giờ bác bỏ đàm phán hòa bình với Ukraine trong khi Kiev công khai rút khỏi tiến trình này.
Như Quỳnh(T/h)