Năm 2018 là năm Quốc hội có nhiều hoạt động và thành công. Những chất vấn và trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề cử tri và các Đại biểu quan tâm. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi, ghi lại một số ý kiến chia sẻ của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từng có những phát ngôn thẳng thắn tại nghị trường.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyên của Quốc hội: “Điều tôi trăn trở nhất là nhiều đơn thư của người dân vẫn chưa được giải quyết!”
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. |
Năm 2018 vừa qua, ông là một trong những ĐBQH có những phát ngôn khá thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri quan tâm. Khi đưa ra những ý kiến như vậy, bản thân ông có cảm thấy bị áp lực không?
Khi đưa ra những ý kiến, quan điểm tôi không thấy có gì áp lực, mọi hoạt động vẫn bình thường. Điều tôi trăn trở nhất là hiện nay đơn thư người dân gửi đến vẫn rất nhiều. Bản thân lại không có đủ thời gian để xử lý hết các đơn mà cử tri gửi đến. Trong đó, có những đơn thư người dân đã gửi đến các cơ quan rất lâu rồi nhưng vẫn không được xử lý, giới thiệu lòng vòng, chuyển hết cơ quan này đến cơ quan khác. Vì thế, những đơn này đều gửi trực tiếp đến cá nhân tôi, từ khi tôi còn làm việc ở Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho đến giờ là công tác ở Ban Dân nguyện thì bà con vẫn gửi.
Một điều nữa mà tôi vẫn trăn trở, đó là việc của bà con ở Đồng Tâm cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Đây là một trong những điều mà tôi vẫn phải suy nghĩ.
Ngoài ra, còn một số vấn đề nữa mà tôi đã có ý kiến đề xuất. Ví dụ như xem xét việc cổ phần hóa của Tổng công ty vận tải thủy, cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tôi nghĩ, cũng cần phải thanh tra, xem xét lại việc cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác...
Liên quan đến việc còn nhiều đơn thư của người dân vẫn chưa được giải quyết, vậy theo ông, nguyên nhân chính là do đâu và cần có giải pháp căn cơ nào để xử lý vấn đề này?
Tôi cho rằng, vấn đề này cũng đã có nhiều báo cáo đánh giá. Quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa cao. Mới chỉ có một số nơi làm quyết liệt như Thanh tra Chính phủ. Hay như việc giải quyết đơn thư của ngành Thương binh – xã hội đã có những tiến triển. Vì Bộ trưởng Đào Ngọc Dung rất quan tâm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chính sách và người có công. Đến nay, lĩnh vực này đã làm có hiệu quả và “bóc” được hàng nghìn trường hợp hồ sơ giả.
Nhưng, ở nhiều ngành khác, ở nhiều địa phương, việc giải quyết đơn thư khiếu nại vẫn rất chậm chạp, ì ạch. Tôi cho rằng, ngoài vấn đề quan tâm chưa đến nơi đến chốn thì theo cử tri phản ánh cũng vẫn còn tình trạng né tránh trách nhiệm, bao che cho nhau, “ngâm” đơn thư của người dân. Quá trình tôi tiếp xúc cử tri, người dân rất kêu ca tình trạng này. Nói chung, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy Ban Pháp luật của Quốc hội: Xử lý sai phạm không có vùng cấm!
Trong năm 2018, cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và cơ quan xét xử đã đảm bảo công việc hết sức nghiêm minh. Điều đó thể hiện qua cách xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, những vụ án gây bức xúc trong quần chúng nhân dân như giết người cướp tài sản, mang hung khí cướp ngân hàng, xâm hại trẻ em, tội phạm ma túy đã được xử lý rất nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, thời gian qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý các vụ việc. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tố tụng cũng vào cuộc tích cực, tạo ra sự đồng bộ. Năm 2018, đã xử lý kỷ luật cũng như truy tố một số tướng lĩnh trong ngành công an và quân đội. Ngay cả những lãnh đạo địa phương mặc dù đã nghỉ hưu nhưng khi phát hiện ra những sai phạm của họ trước đây thì cũng phải chịu trách nhiệm. Điều đó thể hiện việc xử lý không có vùng cấm, làm nức lòng cử tri, nhận được niềm tin của nhân dân cả nước đối với sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự điều hành của Chính phủ.
Qua đó, nhằm chấn chỉnh, răn đe những biểu hiện lợi ích nhóm, cá nhân cục bộ, ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, bao che, trù dập. Trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ việc thì phát hiện tới đâu sẽ xử lý tới đó. Đa phần được làm quyết liệt. Tuy nhiên cũng vẫn còn một số vụ án giải quyết chậm, một số vụ án khi có kết quả chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.
Cơ quan tố tụng phải làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đúng pháp luật, không dung túng, không bao che nhưng cũng không được oan sai. Tội đến đâu thì xử lý đến đó, tội nhiều thì xử nặng, tội ít thì xử ít, còn nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì kỷ luật cảnh cáo hoặc nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm để người ta không dám, không muốn, không làm sai. Đó là vấn đề rất hệ trọng, làm gương cho những người sau này.
ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy Ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Tồn tại, hạn chế của bộ máy từ cán bộ mà ra”
Tôi luôn dành nhiều sự quan tâm tới công tác cán bộ, suy cho cùng tất cả các tồn tại hạn chế của hệ thống, của bộ máy đều từ cán bộ mà ra. Vì cán bộ là “rường cột” của bộ máy, để làm 3 việc: Thứ nhất, đó là khởi xướng và vận hành chính sách pháp luật; Thứ hai, là tổ chức thực thi pháp luật; đường lối chính sách; Thứ ba là tổng kết thực tiễn để mà sửa đổi, bổ sung đường lối, chính sách pháp luật.
Tất cả những công việc này là cán bộ làm chứ ai nữa? Cái mà chúng ta hay kêu ca là cơ chế chính sách, tại cơ chế chính sách. Thực chất, nó là từ cái đầu và cái tâm của cán bộ mà ra, nhưng khi có những sai phạm, yếu kém hay là hạn chế thì chúng ta cứ đổ cho cơ chế chính sách. Chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận rằng đấy là do cán bộ. Chúng ta chọn chưa đúng người, chưa đúng vai, chưa đúng tầm cho nên mới có cái tồn tại đấy.
Đó là chưa nói đến những vi phạm pháp luật liên quan đến con người, liên quan đến cán bộ trong năm vừa qua. Một mặt, việc kiên quyết, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, làm nức lòng nhân dân cả nước, thấy được quyết tâm của Đảng, của người đứng đầu là Tổng Bí thư nói đi đôi với làm, chỉnh đốn lại đội hình. Thế nhưng, mặt khác người ta cũng buồn, vì đấy là đồng đội, đồng chí của mình. Ngày hôm qua đang còn tử tế, ngày hôm nay lại lộ diện nguyên hình là một tội phạm cộm cán mà vốn có những hành vi vi phạm pháp luật từ trước. Nếu như hành vi đó không được ngăn chặn thì người đó còn bước lên vũ đài cao hơn, thế thì nguy hiểm quá...
Nếu như chúng ta bố trí được một đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ ở từng cấp độ, từng lĩnh vực thì đất nước chúng ta sẽ phát triển hơn nữa. Điều trăn trở này có tính chất xuyên suốt từ khi tôi làm Đại biểu Quốc hội đến giờ...
Tôi đã từng nói trên diễn đàn Quốc hội, ở trong các phiên thảo luận tổ là: Xã hội chỉ cần ít nhất 3 người tử tế, gương mẫu thôi thì đạo đức xã hội sẽ khác. Đó là ở trường là người thầy, ở gia đình là người cha, còn ở ngoài xã hội là người lãnh đạo, là thủ trưởng. Ba người đấy mà gương mẫu, mà tốt thì lập tức nó chi phối hành vi cá nhân của mọi người và vì vậy đạo đức xã hội sẽ thay đổi.
Nguyễn Hường
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết