Báo Malaysia tiết lộ nghi phạm mang hộ chiếu Triều Tiên bị bắt do liên quan đến cái chết của ông Kim Jong Nam là một chuyên gia hóa học.
Ri Jong Chol đến từ Bình Nhưỡng, tốt nghiệp ngành khoa học và y học tại một đại học ở Triều Tiên vào năm 2000, Tri Thức Trực Tuyến dẫn tin tờ The Star (Malaysia) cho biết.
Trong 10 năm sau đó, ông tham gia một trung tâm nghiên cứu tại Kolkata (Ấn Độ) cho đến năm 2011. Các nguồn tin nói rằng ông đã trở về Bình Nhưỡng trước khi được nhận vào một công ty IT ở Malaysia.
"Vẫn còn quá sớm để kết luận Ri đứng sau chất độc được cho đã giết chết ông Kim vì cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Ông ấy đang được tra hỏi để tìm ra nơi ẩn náu của 3 nghi phạm còn lại", nguồn tin nói với tờ The Star.
Nghi phạm Triều Tiên liên quan tới cái chết Kim Jong Nam là chuyên gia hóa học. |
Trước đó, Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia, ông Tan Sri Khalid Abu Bakar cho biết ông Ri bị bắt giữ vào tối 17/2.
"Căn cứ vào thẻ i-KAD (thẻ do Bộ Di trú Malaysia cấp cho người nước ngoài đến lao động) trong đồ đạc của ông ta, nghi phạm được xác định sinh ngày 6/5/1970 và là công dân của CHDCND Triều Tiên", ông Tan Sri Khalid Abu Bakar thông báo.
Trong khi đó, liên quan đến việc ông Kim Jong Nam có thể đã chết vì một chất lỏng lạ, Bộ trưởng Y tế Malaysia S. Subramaniam cho biết báo cáo về chất độc trên thi thể ông Kim có thể mất đến 2 tuần.
"Thường thì sẽ mất 2 tuần để tìm ra nguyên nhân cái chết. Chúng tôi sẽ không công bố báo cáo cho đến khi tìm được thông tin cuối cùng", ông Subramaniam nói.
Theo Vnexpress, Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, hôm 13/2 đã tử vong tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Cảnh sát xác định được 6 nghi phạm
Hai nghi phạm nữ khai làm theo chỉ đạo của 4 người đàn ông. Ri có thể là một trong 4 nam nghi phạm nói trên. Cảnh sát Malaysia đang truy lùng ba nghi phạm còn lại, khoảng từ 30 đến 50 tuổi.
Chính quyền Triều Tiên đã xác nhận người chết ở Malaysia là anh trai lãnh đạo Kim Jong Un. Chính quyền Malaysia từ chối đề nghị của phía Triều Tiên về việc không khám nghiệm tử thi và yêu cầu có mẫu ADN của một thành viên gia đình để so sánh với ADN người chết.
(Tổng hợp)