+Aa-
    Zalo

    Nghi phạm bắt cóc bé trai 7 tuổi tống tiền có thể đối diện với những hình phạt nào?

    (ĐS&PL) - Theo luật sư, hành vi bắt cóc trẻ em tống tiền khung hình phạt cao nhất là chung thân.

    Liên quan đến vụ việc bắt cóc bé trai 7 tuổi tại Long Biên, Hà Nội, đối tượng Nguyễn Đức Trung yêu cầu gia đình nạn nhân chuẩn bị 15 tỷ chuộc con. Gia đình sau nhiều giờ chuẩn bị được 13 tỷ. Trung bị bắt ngay lúc đang giao dịch nhận tiền từ mẹ bé trai.

    Trao đổi với Đời sống & Pháp luật, TS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết hành vi bắt cóc cháu bé 7 tuổi để đòi tiền chuộc tới 15 tỷ đồng, khi bị đuổi bắt thì dùng súng chống trả lực lượng chức năng gây nguy hiểm cho xã hội, manh động, thể hiện thái độ coi thường pháp luật.

    Theo hồ sơ vụ án, sau khi bắt cóc được bé trai 7 tuổi, đối tượng Nguyễn Đức Trung yêu cầu bé trai đọc số điện thoại người thân để liên lạc; dùng 3 số điện thoại sim rác gọi uy hiếp người nhà cháu bé phải đưa 15 tỷ đồng tiền chuộc; quá trình vây bắt, Trung đã dùng súng bắn đạn cao su chống trả...

    “Hành vi của đối tượng Trung đã xâm phạm quyền trẻ em, nghiêm trọng hơn đây là bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người khác, xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do thân thể của công dân, uy hiếp đến tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của nạn nhân và những người khác, nên hành vi này là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội”, TS. Đặng Văn Cường nhận định.

    Ngoài ra, với số tiền có ý định chiếm đoạt là 15 tỷ đồng, ngoài khung hình phạt cao nhất, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 - 5 năm tù hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, khi đối tượng bắt giữ nạn nhân và thông báo cho gia đình về số tiền chuộc là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân hay chưa.

    luatsudangvancuong1
    Luật sư Đặng Văn Cường.

    Do tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nên dưới góc độ pháp lý tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là bắt cóc người này nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác (không đòi hỏi hậu quả phải chiếm đoạt được tài sản xảy ra) thì hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

    Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ khẩu súng mà đối tượng sử dụng có nguồn gốc từ đâu, vụ án có đồng phạm hay không để giải quyết triệt để vụ án theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, hành vi trốn chạy, chống trả lực lượng chức năng cho thấy tính chất manh động, ngoan cố, coi thường pháp luật của đối tượng này. Hành vi gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, đối tượng sẽ bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, làm căn cứ để tòa án quyết định mức hình phạt nghiêm khắc.

    “Với tính chất mức độ hành vi và nhân thân của đối tượng gây án như vậy thì có thể đối tượng này sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, có thể sẽ là mức cao nhất của khung hình phạt”, luật sư Cường nói.

    Khánh Ngân - Mộc Trà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-pham-bat-coc-be-trai-7-tuoi-tong-tien-co-the-doi-dien-voi-nhung-hinh-phat-nao-a586859.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan