+Aa-
    Zalo

    Nghỉ lễ 30/4-1/5 dài ngày: Công chức "hả hê", doanh nghiệp "tái mặt"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong khi nhiều người lên kế hoạch chuẩn bị cho đợt nghỉ 30/4 dài nhất từ trước đến nay thì không ít doanh nghiệp Nhà nước sốt vó vì lo sản xuất bị ngưng trệ.

    (ĐSPL) - Trong khi nhiều người lên kế hoạch chuẩn bị cho đợt nghỉ 30/4 dài nhất từ trước đến nay thì không ít doanh nghiệp Nhà nước sốt vó vì lo sản xuất bị ngưng trệ.

    Mới đây, bộ LĐ-TB&XH vừa ra thông báo, trong đợt 30/4 và 1/5, Giỗ tổ, công chức, viên chức sẽ có 6 ngày nghỉ lễ. Trong khi nhiều người hân hoan lên kế hoạch chuẩn bị cho đợt nghỉ 30/4 dài nhất từ trước đến nay thì không ít doanh nghiệp Nhà nước sốt vó vì lo sản xuất bị ngưng trệ, vỡ hợp đồng.

    Không ít người cho rằng, cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, nay lại thêm 6 ngày nghỉ lễ sẽ khiến năng suất lao động giảm đáng kể. Hơn nữa, thời điểm đầu năm, các nước trên thế giới đang cố gắng vào guồng sản xuất thì Việt Nam lại chạy “chệch” ra khỏi guồng quay đó. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.

    Doanh nghiệp “tái mặt” sợ phạt vì vỡ hợp đồng

    Vừa nhận được thông tin nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương 6 ngày, chị Nguyễn Thị Ninh (29 tuổi, nhân viên hành chính của một công ty dệt sợi, tại khu Công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu) lập tức lên kế hoạch đi du lịch Đà Lạt.

    “Mặc dù doanh nghiệp mà vợ chồng tôi đang làm không phải là doanh nghiệp Nhà nước nhưng do công đoàn đề xuất nên lãnh đạo công ty vừa ra thông báo công nhân, nhân viên hành chính được nghỉ theo công chức, viên chức. Tết Nguyên đán được nghỉ dài ngày, chúng tôi về Bắc ăn Tết nên không có thời gian đi chơi. Chính vì vậy, đây là cơ hội hiếm có trong năm để cả gia đình đi du lịch. Lãnh đạo doanh nghiệp ra thông báo, công nhân, nhân viên đi làm ngày nghỉ sẽ được nhân lương hệ số 3 trong 6 ngày nhưng rất ít người đăng ký ở lại”, chị Ninh nói.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đỗ Văn Triều, Trưởng phòng Hành chính, Công ty cổ phần phát triển Đô thị Từ Liêm cho biết, doanh nghiệp đã dự tính được kết quả năng suất lao động sẽ giảm sút trong 6 ngày nghỉ sắp tới. Điều khiến công ty cảm thấy thất vọng là vừa trải qua đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, doanh nghiệp mới ổn định hoạt động, công nhân vừa bắt nhịp với guồng làm việc thì lại có 6 ngày nghỉ lễ. Chắc chắn công ty sẽ gặp ít nhiều khó khăn bởi việc sản xuất, kinh doanh bị ngắt quãng.

    nghi-le-30/6

    Ông Đặng Quang Điều.

    Không như những doanh nghiệp khác, ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Uvip Việt (chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em và quà tặng) khẳng định, việc nghỉ 6 ngày chỉ áp dụng trong các doanh nghiệp Nhà nước. Lao động đang làm việc tại công ty ông chỉ được phép nghỉ 3 ngày đúng vào 30/4, 1/5 và Giỗ tổ. Mặc dù đã nhận được đơn kiến nghị của công đoàn công ty yêu cầu được nghỉ 6 ngày nhưng ông không đồng ý.

    Ông Tuân cho biết, công ty sẽ có chế độ thưởng hợp lý và sau khi nghe lãnh đạo phân tích, các công nhân cũng đã đồng thuận. Vị giám đốc này khẳng định: “Trong ngành đồ chơi trẻ em và quà tặng, tính cạnh tranh rất lớn, chỉ cần nghỉ một ngày, sức cạnh tranh, sản phẩm cạnh tranh đã bị thiệt hại. Thời điểm Tết Nguyên đán, do ngày nghỉ quá dài, chúng tôi đã bị vỡ mất hai hợp đồng với nước ngoài, thiệt hại đáng kể. Thậm chí đơn đặt hàng vào tháng 5 tới đây nếu không xuất hàng đúng tiến độ, chúng tôi sẽ bị phạt với số tiền 5-10\% giá trị hợp đồng. Tiền mất là một chuyện, doanh nghiệp còn mất cả uy tín với đối tác”.

    Theo lãnh đạo các công ty tư nhân, việc Chính phủ quyết định cho công nhân, viên chức nghỉ 6 ngày có lẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thuộc khối Nhà nước như các công ty may mặc, sản xuất linh kiện, lương thực thực phẩm... lo lắng vì sợ vỡ hợp đồng. Còn các công ty tư nhân, việc nghỉ bao lâu là do lãnh đạo và lao động tự thương lượng.

    “Chệch” khỏi guồng quay sản xuất

    Để giúp các doanh nghiệp giải tỏa sự lo lắng về thủ tục hành chính trong đợt nghỉ lễ tới đây, PV đã liên hệ với các cơ quan thuế và ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Hổ, Phó Cục trưởng cục Thuế Hà Nội cho biết: “Việc nghỉ lễ 6 ngày chắc chắn không gây khó khăn cho các doanh nghiệp về vấn đề thủ tục hành chính. Bởi mới đây tôi được biết, UBND TP.Hà Nội đã có chỉ đạo tất cả bộ phận một cửa của các ban ngành, UBND quận, phường, trong đó có cục Thuế Hà Nội phải có đội ngũ trực theo giờ hành chính những ngày nghỉ. Chúng tôi cũng tự ý thức được nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh, sản xuất trong ngày lễ nên sẽ bố trí lực lượng để mọi việc được thông suốt, không gây mất thời gian cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng được biết, các cơ quan như hải quan cũng sẽ bố trí người để thông quan cho các doanh nghiệp”.

    Doanh nghiệp Nhà nước méo mặt vì gián đoạn sản xuất (ảnh minh họa).

    Đại diện các ngân hàng cho biết, đến thời điểm này họ vẫn chưa nhận được thông báo hướng dẫn về việc nghỉ lễ 30/4 sắp tới từ Ngân hàng Nhà nước. Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu cho biết: “Sẽ có các bộ phận trực ở một số chi nhánh ngân hàng trong các ngày nghỉ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa thể chỉ cụ thể chi nhánh nào. Bởi thời điểm này mới là giữa tháng 3. Chúng tôi sẽ sớm công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới”.

    Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc nghỉ dài ngày sau dịp Tết Nguyên đán khiến công việc sản xuất ở thời điểm đầu năm giảm. Chính vì thế, tùy vào đơn vị, doanh nghiệp, tiến độ công việc như thế nào mà lãnh đạo điều chỉnh thời gian nghỉ của lao động cho hợp lý. “Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất đã nhận đơn đặt hàng và phải trả sản phẩm vào tháng 5 thì hoàn toàn có thể thương lượng với người lao động để họ ở lại sản xuất vào ngày lễ. Tuy nhiên, ngoài khoản tiền lương nhân hệ số làm vào ngày nghỉ theo quy định, công ty cũng nên có chính sách hỗ trợ lao động”, ông Điều nói.

    Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc nghỉ quá dài và sát nhau chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến hiệu suất lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp hoạt động không tốt, ngưng trệ trong sản xuất kinh doanh dẫn tới thiệt hại GDP. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tốn các khoản thưởng, lương 200-300\% làm vào ngày nghỉ dẫn đến bị đội chi phí. Xét ở tầm cao hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập WTO và chuẩn bị cho TPP, hàng hóa và dịch vụ sẽ phải đáp ứng nhu cầu thế giới. Trong khi cả thế giới đang vận động, nỗ lực sản xuất thì chỉ có một mình Việt Nam “đứng im”. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt gặp bất lợi khi cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới.

    Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc quá nhiều ngày nghỉ lễ, sẽ khiến các doanh nghiệp FDI phải suy tính trước khi đầu tư vào Việt Nam. Bởi không doanh nghiệp nào muốn công ty của mình đang hoạt động mà phải nghỉ một thời gian quá dài, ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như năng suất lao động.

    Công ty lữ hành như “bắt được vàng”

    Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lan, Trưởng phòng du lịch trong nước Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch Trường Tồn (Ba Đình, Hà Nội), những năm trước, thời điểm ra Tết được xem là “kỳ nghỉ đông” trong việc làm ăn của các công ty du lịch. Bởi, lúc này vừa trải qua thời điểm Tết Nguyên đán, lượng người đi du lịch giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nửa tháng gần đây, lượng khách đặt tour tăng đột biến, trong đó đa phần là công nhân, viên chức. Phần lớn họ nhận được các tour Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.

     

    VĂN CHƯƠNG

    Xem thêm clip: 114 người chết sau 4 ngày nghỉ lễ


     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-le-304-15-dai-ngay-cong-chuc-ha-he-doanh-nghiep-tai-mat-a89057.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan