Theo các luật sư, trong trường hợp nghi phạm sát hại hai nữ sinh ở Hà Nội đã tử vong thì những người thừa kế của đối tượng phải có nghĩa vụ bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Như đã thông tin, sáng 16/9 vừa qua, tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khi một đối tượng nghi do mâu thuẫn tình cảm đã đâm 2 nữ sinh tử vong tại phòng trọ.
Sau đó, nghi phạm cũng rút dao tự đâm và nhảy từ tầng 4 xuống đất tự tử. Phát hiện sự việc, người dân liền báo cáo tới cơ quan công an và đưa đối tượng đi cấp cứu.
Khu vực xảy ra vụ án mạng nam thanh niên nghi đâm tử vong hai nữ sinh. |
Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên nghi phạm đã tử vong tại bệnh viện. Qua điều tra xác định, kẻ gây án có danh tính là Giàng A Dông (SN 1996, quê ở Điện Biên).
Liên quan đến hướng giải quyết vụ án khi cả nạn nhân và hung thủ đã tử vong, nhiều bạn đọc thắc mắc liệu cơ quan công an có còn khởi tố vụ án, khởi tố bị can?. Hoặc, gia đình nghi phạm có phải bồi thường cho nạn nhân hay không?
Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, dựa trên tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sẽ không khởi tố vụ án khi nghi phạm duy nhất đã tử vong.
Song, trong vụ án trên, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành điều tra làm rõ, nếu quá trình điều tra đủ căn cứ xác định chỉ một mình nghi phạm Dông liên quan đến việc sát hại 2 nữ sinh thì vụ án sẽ khép lại.
Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh |
Về trách nhiệm bồi thường cho bị hại, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh) cho biết, theo quy định của pháp luật, trong vụ án hình sự xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác thì người phạm tội ngoài việc bị xử lý về mặt Hình sự còn phải có nghĩa vụ bồi thường về mặt dân sự.
Vụ án trên thuộc trường hợp người phạm tội có nghĩa vụ phải bồi thường nhưng người này đã tự sát và tử vong ngay sau đó, thì trách nhiệm bồi thường được quy định tại Điều 615 - Bộ luật Dân sự đã quy định như sau:
"Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân".
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người thừa kế của nghi phạm Dông có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân.
Luật sư Đặn Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật Sư Chính Pháp, Hà Nội. |
Trước hết, gia đình nạn nhân cần liên hệ với người thừa kế tài sản của người phạm tội như: Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của người phạm tội... để yêu cầu bồi thường. Nếu họ không tự nguyện bồi thường thì có thể tiến hành việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi họ cư trú để đề nghị Tòa án buộc họ phải bồi thường.
Về phía người bị hại, nạn nhân cũng đã tử vong như trường hợp trên thì người đại diện hợp pháp như: Cha, mẹ, vợ, chồng, con (hàng thừa kế thứ nhất) của họ được nhận khoản bồi thường đó.
Cũng đồng tình với quan điểm của luật sư Thanh, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật Sư Chính Pháp, Hà Nội) cho hay: Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, nếu trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã chết và vụ án bị đình chỉ nhưng đối tượng gây án có tài sản riêng để lại thì người thừa kế sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân bằng những tài sản đó.
Người đại diện theo pháp luật của đối tượng này có trách nhiệm thay người phạm tội thực hiện việc bồi thường này theo quy định pháp luật. Nếu không thỏa thuận được về việc bồi thường thì gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: - Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; - Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. "Khoản 7, điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự quy định không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau: 7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;...” Trong quá trình điều tra nếu thấy có căn cứ tại điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự và điều 157 bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự. |
Nguyễn Phượng