Cha mẹ trực tiếp chỉ dẫn và chăm sóc nên ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành nhân cách của con cái sau này. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được gia đình nuôi nấng, bao bọc cho đến khi trưởng thành.
Mới đây, một bài văn của em học sinh lớp 6 đã khiến nhiều người phải rưng rưng nước mắt. Được biết bài làm này đã xuất hiện từ năm 2019 nhưng đến nay lại được cộng động mạng tiếp tục truyền tay nhau.
Nguyên văn bài làm của em học sinh này như sau:
"Thứ 6, ngày 15/11/2019 là ngày mà tôi nhớ mãi vì đó là ngày mà tôi khóc nhiều nhất.
Lúc buổi chiều tôi làm mất giày mà chị mới mua cho tôi. Lúc đó bà ngoại mắng tôi là thằng phá của. Lúc đó tôi khóc và nói “nếu con biết trước tương lai thì không ai lấy mất được rồi”. Bà ngoại nói “mày nhỏ mà cãi bướng, không coi ai ra gì hết. Tao nói một câu là mày cãi mười lần”.
Lúc tôi khóc và bỏ đi ra ngoài, mọi người chọc tôi là thứ không cha, không mẹ, ba ở tù. Tôi rất buồn và tức. Tôi nghĩ, nếu trên đời này không có tôi thì hay biết mấy.
Nhiều lần tôi nhớ mẹ, tủi thân và ngồi khóc một mình. Mọi người không biết tôi muốn gì, làm gì và cần gì. Tôi cần tình thương, tình cảm của ba, mẹ, ông và bà.
Lúc ông ngoại về nghe tin tôi mất giày, ông ngoại đòi đánh và mắng, nói là mai mày mang dép lê đi học, rồi còn đánh tôi. Tôi né kịp và chạy đi nơi khác.
Tôi không hiểu tôi đã làm gì sai mà ông trời lại không cho tôi được hạnh phúc như bao đứa trẻ khác và không được bình yên.
Tôi cần bình yên. Tôi không cần hạnh phúc".
Có thể, em học sinh đã quá thiệt thòi và bất hạnh khi không có mẹ, ba lại tù tội, sống cùng ông bà ngoại nhưng em cũng không được bù đắp tình cảm trọn vẹn. Thậm chí, ông bà luôn la mắng, đánh đập khiến tâm lý em luôn ở trạng thái chán nản và suy nghĩ tiêu cực.
Ngay dưới bài đăng là rất nhiều bình luận đồng cảm của dân mạng. Ai cũng cho rằng cậu bé vốn cũng rất ngoan ngoãn khi vẫn nói chuyện và thưa gửi bà đúng mực. Thế nhưng dường như vì phải chịu nhiều cực khổ nên em nhạy cảm và suy nghĩ trưởng thành trước tuổi. Vậy nên cậu bé rất cần sự thấu hiểu và tình yêu thương của mọi người xung quanh.
Một số bình luận đáng chú ý:
"Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn mà có những suy nghĩ như thế này thật sự rất đáng lo. Mong cô giáo yêu thương và quan tâm em nhiều hơn";
"Nghe em kể có vẻ tuyệt vọng quá. Có lẽ cô giáo nên liên lạc với gia đình hoặc động viên học sinh, vì có thể em đang nghĩ mọi thứ rắc rối hoặc em cần giúp đỡ";
"Tuổi còn nhỏ mà suy nghĩ già dặn quá, thương cậu bé này vô cùng";
"Mong cô giáo sẽ có biện pháp tâm lý giúp cậu bé. Mang tiếng không cha không mẹ lại còn bố đi tù rất dễ khiến cậu bé là mục tiêu mọi trò đùa của bạn bè".
Linh Chi (T/h)