+Aa-
    Zalo

    Nghẹn ngào lời xin lỗi của “nữ sinh đồng nát” gửi mẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vì gia cảnh khó khăn, nữ sinh trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã phải cùng mẹ của mình rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp các ngóc ngách của Hà Nội, ...

    Vì gia cảnh khó khăn, nữ sinh trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã phải cùng mẹ của mình rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp các ngóc ngách của Hà Nội, lượm từng mảnh ve chai bán lấy tiền trang trải học hành và cuộc sống.

    Đó là hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Cúc, hiện là sinh viên năm 4, khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vừa xuất hiện trong chương trình “Lời xin lỗi” trên VTV9. Câu chuyện khiến người xem rơi nước mắt vì cảm phục nghị lực hiếm có của Cúc và sự hy sinh hết mực của người mẹ.

    [mecloud]tPDbQSqWiv[/mecloud]

    Sinh ra và lớn lên ở một xã nghèo của huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), gia đình có 6 anh chị em nhưng vì quá nghèo khổ nên lần lượt đều bỏ học đi làm thuê làm mướn, Cúc xác định muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn thì phải học cho giỏi. Bằng nỗ lực của mình, Cúc đã thi đỗ vào Đại học.

    Nhớ lại khi biết tin đỗ đại học, Cúc vừa khóc vừa kể: “Em nhớ là hôm khi biết tin đỗ vào đại học, em có một giấc mơ là mẹ phải đi vay tiền cho em học. Lúc mẹ đi vay tiền người ta đã chửi mẹ, lúc đó em đã khóc cả ngày. Em rất sợ, em đi học đại học như vậy thì lấy tiền đâu?”

    Em Nguyễn Thị Cúc, còn được gọi với cái tên trìu mến là “cô bé đồng nát”.

    Mẹ của Cúc - bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: "Tôi không cho nó thi Đại học. Học cái chữ, học không có tiền. Mình nhà nông không có tiền thì lúc ra trường làm cái gì để sống? Thôi cứ ở nhà làm ruộng thôi. Tôi cương quyết không cho nó học. Nhưng nó cứ nằm sấp mặt xuống mà khóc, cầu xin, con xin bố một tấm chữ, con xin mẹ một tấm chữ. Tôi hy sinh đời tôi, tôi cho nó học”.

    Và Cúc trở thành sinh viên với quyết tâm thay đổi cuộc đời. Quyết tâm ấy dựa hết cả vào những đồng tiền mà Cúc và người mẹ già kiếm được bằng nghề đồng nát.

    Học đại học được 4 năm thì nghề đồng nát cũng gắn liền với cuộc sống của em trong suốt quãng thời gian ấy.

    “Tôi ra Hà Nội không biết làm nghề gì mà làm nữa ngoài nghề đồng nát nhỏ mọn để kiếm 5 – 7 ngàn nuôi con ăn học thôi. Có những khi đi khắp nơi chỉ kiếm được hai chục ngàn, những ngày như thế mình ra chợ nhặt rau mà người ta vứt đi để mang về ăn”, bà Tâm chia sẻ.

    Với nhiều người, nghề buôn đồng nát chứa đầy vất vả, nhọc nhằn, đôi khi lại nhận được không ít sự soi mói, dè bỉu của người đời. Thế nhưng với Cúc thì lại biết ơn cái nghề này hơn cả. Bởi nó cho em tấm chữ và tự hào về một người mẹ tuyệt vời.

    “Đi đồng nát cũng là để mình chăm sóc mẹ, vì mẹ không biết đường Hà Nội, lại hay bị tụt huyết áp, nếu mẹ bị ngất ở đường thì mình có thể xử lý nhanh được”, Cúc tâm sự.

    Vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, cô gái nhỏ nhắn này còn tạo ra một kỳ tích đáng nể trong học tập đó là trở thành một trong những sinh viên ưu tú tham gia chương trình “Trao đổi sinh viên văn hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc” trong 1 năm.

    Để có kinh phí cho chuyến đi này, “bố mẹ đã phải bán đi con trâu, tài sản duy nhất mà gia đình có để có thể đủ tiền cho em sang đấy học 1 năm”, Cúc cho biết.

    Với Cúc, mẹ là thần tượng, là động lực để phấn đấu. Còn với mẹ, Cúc là đứa con hiếu thảo, chẳng ngại khó khăn, nhưng trong thâm tâm bà còn nhiều nỗi dằn vặt hơn thế.

    “Tôi cũng rất là ngậm ngùi vì con, cũng một kiếp người mà con người ta được mười, con mình không được năm được ba. Chỉ nghĩ tới đó thôi là hai hàng nước mắt ứa ra”.

    Suốt 4 năm qua, không một ngày nào bà Tâm được nghỉ ngơi, dù bệnh tật ngày một nặng nhưng vẫn miệt mài trên chiếc xe đạp cũ kỹ, rong ruổi khắp mọi ngõ ngách Hà Nội để thu lượm từng vỏ nhựa, từng mảnh các tông để gom góm cho con tạo dựng tương lai.

    Nhìn sự hy sinh và âm thầm chịu đựng của mẹ, Cúc tâm sự: “Nếu được một lần có cơ hội để nói lời xin lỗi, thì mình muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến mẹ của mình”.

    Và chương trình “Lời xin lỗi” của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp “cô bé đồng nát” gửi lời xin lỗi tới người mẹ đáng kính của mình một cách bất ngờ và ý nghĩa nhất vào những ngày cuối năm này. Trong một lần đi lượm đồng nát, người mẹ già đã mở một hộp giấy được gói kín trong túi nilon rác và nhận được một bức thư đầy xúc động.

    “Gửi mẹ yêu,

    Mẹ à! Mẹ chắc sẽ rất bất ngờ khi nhận được thư này của con. Lời đầu tiên con muốn nói với mẹ đó là con xin lỗi mẹ.

    Con xin lỗi mẹ thật nhiều, con biết mẹ không nói ra nhưng mẹ đã chịu rất nhiều cực khổ.

    Nếu sau này con có thể kiếm được nhiều tiền, con chắc chắn sẽ mua cho bố mẹ lại một con trâu như ngày trước. Vì con mà bố mẹ đã phải bán con trâu gia tài của mình”.

    Lời xin lỗi mà Cúc hằng ấp ủ đã được gửi tới mẹ, nó chứa cả những giọt nước mắt lẫn nụ cười tươi rói.

    Có thể hôm nay là đôi bàn tay lấm lem, nhưng ngày mai sẽ là một tương lai tươi sáng chờ đón hai mẹ con với nghị lực phi thường này.

    “Lời xin lỗi” là chương trình truyền hình thực tế, phát sóng vào lúc 20h từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV9. Chương trình đang gây ấn tượng mạnh với khán giả qua câu chuyện của những số phận, những hoàn cảnh khác nhau trên khắp đất nước gửi lời xin lỗi chân thành đến cha mẹ, con cái, người thân vì những thiếu sót mà mình đã gây ra với mong muốn một năm mới tốt đẹp hơn.

    Có thể nói, chưa bao trào lưu nói lời xin lỗi công khai lại lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như hiện tại. Khởi nguồn từ một doanh nhân nổi tiếng xin lỗi người tiêu dùng cả nước, thông điệp xin lỗi đã được hàng chục ngàn người hưởng ứng và gửi tới người thân, gia đình, bạn bè của mình trong những ngày giáp tết Đinh Dậu.

    Nhận định về xu hướng đầy tích cực này, ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho biết: những giá trị truyền thống mang tính dân tộc như yêu thương, đùm bọc, cảm thông và bỏ qua cho nhau gần đây vốn bị lu mơ nhưng đang được đánh thức lại với trào lưu xin lỗi đầy tính nhân văn hiện nay.

    Hy vọng, với nét tươi mới và độ lan tỏa mà trào lưu xin lỗi đang tạo sẽ trở thành một nét văn hóa ứng xử lâu dài như mong ước của GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghen-ngao-loi-xin-loi-cua-nu-sinh-dong-nat-gui-me-a176876.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan