Nhắc đến hoàn cảnh éo le của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1958), người dân xóm Trại không khỏi xót xa. Con gái qua đời vì tai nạn giao thông cách đây không lâu, con trai đang đi nghĩa vụ quân sự. Bản thân mắc bệnh đãng trí nhưng bà vẫn phải chăm lo cho cháu gái nhỏ tội nghiệp.
Vành khăn trắng trên đầu trẻ thơ
Dưới cái nắng nhàn nhạt của tiết trời mùa thu, PV ĐS&PL có mặt tại UBND xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Hỏi thăm về hoàn cảnh của gia đình cháu Nguyễn Thùy Linh, một vị cán bộ xã cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cháu Linh rất éo le. Mẹ của cháu là Nguyễn Thị Thuỷ bị tai nạn, vừa mất được một thời gian. Số phận của chị Thủy cũng hẩm hiu nên chị nuôi con và không may đã qua đời... Sau khi chị Thủy mất cháu Linh sống với bà ngoại cũng đã già yếu”.
Với sự chỉ dẫn của người dân xóm Trại, băng qua những con ngõ nhỏ thưa người, chúng tôi đã tìm đến ngôi nhà cháu Linh đang sinh sống. Khi chuẩn bị bước qua cánh cửa sắt cũ kỹ, một chàng trai với thân hình gầy gò, trên xe đèo một bé gái tiến tới. Biết chúng tôi là phóng viên, chàng thanh niên nhanh chóng mời vào nhà. Đó là anh Nguyễn Thành Tâm (SN 1999 cậu ruột của cháu Linh).
Trong ngôi nhà đơn sơ, ngoài chiếc giường ọp ẹp cùng vài cái ghế cũ kỹ, chúng tôi không thấy bất kỳ đồ vật gì đáng giá. Những vết nứt chân chim chằng chịt, lộ rõ trên những mảng tường bong tróc. Trần nhà lợp bằng inox được chống đỡ nhờ những thanh gỗ cũng đã có dấu hiệu bị mục. Căn nhà ọp ẹp này nhiều khả năng sẽ đổ sập nếu phải hứng chịu vài trận giông.
Cháu Linh ngồi bên cạnh bà Thanh và anh Tâm. Ảnh: Đàm Linh. |
Tâm chia sẻ, đây là ngôi nhà tình thương được chính quyền hỗ trợ xây dựng từ năm 1993. Qua thời gian, nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng gia đình không có tiền sửa chữa.
Lặng lẽ thắp cho chị một nén hương, bằng giọng nói buồn buồn, Tâm kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của gia đình mình. Vì gia đình nghèo khó, bố lại mất sớm nên chị Thuỷ không có điều kiện để đi học mà phải ra đồng mò cua, bắt ốc, lo bữa ăn hằng ngày.
Không bằng cấp nên chị không thể xin vào làm cho các công ty và phải chấp nhận làm việc tự do, thu nhập bấp bênh. Dù vậy, chị Thủy vẫn cố gắng làm việc, chắt góp từng đồng để nuôi mẹ và hai em. Từ những đồng lương ít ỏi cùng tình thương vô bờ của mình, chị đã nuôi dạy hai người em nên người.
“Hôm 6/9 vừa qua, chị em đi làm về, đi qua đoạn đường xấu nên không may bị ngã xe. Chị bị chấn thương sọ não, gãy 6 cái xương sườn, xương quai xanh được mọi người đưa lên bệnh viện Đa khoa Ninh Bình cấp cứu”, Tâm chia sẻ.
Cố nén đi giọt nước mắt, Tâm cho biết, ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ đã chỉ định phải chuyển chị Thủy lên bệnh viện tuyến trên để chữa trị. Tuy nhiên, vì số tiền quá lớn nên gia đình đành bất lực.
“Gia đình khó khăn, em cũng không giúp gì được nhiều. Một mình chị Thủy phải bươn chải làm đủ nghề để nuôi mẹ và con gái nên đâu tích góp được đồng nào. Để chuyển chị lên tuyến trên mất khoảng hơn 200 triệu nhưng khoản tiền ấy quá lớn. Gia đình không thể xoay xở”, Tâm đau đớn nói.
Sau một thời gian ngắn chiến đấu để giành giật sự sống, chị Thủy trút hơi thở cuối cùng bỏ lại người mẹ và cô con gái bé bỏng với vành khăn trắng trên đầu, đơn độc giữa số phận nghiệt ngã.
Tiếng nấc nghẹn của người mẹ già đau ốm
Ngồi tựa lưng vào tường, bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1958, bà ngoại cháu Linh) với thân hình gầy guộc, hướng ánh mắt trũng sâu, thất thần nhìn về phía di ảnh người con gái vắn số.
Những giọt nước mắt dường như đã khô cạn trên gương mặt người đàn bà khắc khổ ấy. Sự ra đi của chị Thủy vượt ngoài sức chịu đựng của bà. Giờ đây, mỗi khi nhìn về phía di ảnh của chị, bà chỉ có thể thốt lên những tiếng nấc nghẹn.
Lê những bước chân run rẩy đi về phía chúng tôi, bà đau xót tâm sự: “Nhà có ba người con, tôi thương Thủy nhất. Tuy tính Thủy hơi trầm nhưng rất thương mẹ, thương em. Cả cuộc đời nó chỉ biết làm thuê, cuốc mướn để nuôi các em và con gái. Cuộc đời nó vốn đã bất hạnh nay lại phải ra đi như vậy tôi đau đớn lắm”.
Chứng kiến hình ảnh đôi vai gầy guộc run lên nhè nhẹ, gương mặt bơ phờ cùng những tiếng nấc nghẹn của bà Thanh, chúng tôi thấy xót xa vô cùng.
Ngồi xoa lưng cho mẹ, Tâm tiếp lời: “Dạo gần đây, mẹ em thường xuyên bị đãng trí, nhớ trước, quên sau. Kể từ khi chị mất, bệnh tình của mẹ ngày càng nặng hơn. Em thì xa nhà chỉ có mẹ và cháu Linh sống nương tựa vào nhau. Em lo lắm”.
Tâm cho biết, hàng ngày, bà Thanh vẫn đi phun thuốc sâu thuê, mò cua, bắt ốc để nuôi cháu. Khi còn sống số tiền chị Thủy đi làm gửi về, bà dùng để đóng học phí, mua quần áo, sách vở cho cháu Linh.
Nhưng, kể từ khi chị Thủy mất, sức khỏe bà giảm sút rõ rệt. Cuộc sống hàng ngày càng trở nên khó khăn, thiếu thốn: “Mẹ em giờ sức khỏe yếu rồi, hay đãng trí và suy nghĩ vì mất con, thương cháu, đâu làm được gì. Cháu Linh đi học về là tự pha mì tôm ăn, mẹ em đau buồn quá, nhiều lúc quên. Thi thoảng, các cô, các bác hàng xóm cũng thương, cho ít đồ ăn”...
“Vì chị, em quyết tâm không để cháu phải vào trại trẻ mồ côi! ”Hướng ánh mắt nhìn về đứa cháu gái đáng thương đang chơi ngoài sân, Tâm tâm sự, chính quyền xã rất quan tâm đến hoàn cảnh gia đình và muốn đưa Linh vào CLB trẻ mồ côi nhưng em không đồng ý. Em muốn cố gắng hết sức mình để cháu có một tương lai tươi sáng hơn bù đắp cho những mất mát mà cháu phải gánh chịu khi còn quá nhỏ”. |
Đàm Linh