Tên tuổi của nghệ sĩ Văn Báu gắn liền với loạt phim truyền hình Cảnh sát Hình sự - Bộ phim trở thành một phần ký ức khó quên của khán giả một thời. Bộ phim này đã đưa tên tuổi của Văn Báu đến gần với khán giả hơn.
Tượng đài “Cảnh sát Hình sự”
Nghệ sĩ Văn Báu (giữa) gắn liền với hình tượng cảnh sát qua hàng loạt phim về đề tài hình sự. |
Nghệ sĩ Văn Báu được coi là nam diễn viên miệt mài theo đuổi dòng phim có đề tài phòng chống tội phạm. Ngay khi bắt đầu sự nghiệp diễn xuất ông đã tham gia dòng phim này và cho tới nay, nam diễn viên đã đảm nhận hàng chục vai diễn cảnh sát khác nhau.
Năm 1996, đài Truyền hình Việt Nam triển khai loạt phim Cảnh sát hình sự gồm 8 phần, 40 tập. Nội dung nói về 8 vụ án khác nhau xoay quanh chủ đề phòng chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội... Bộ phim thực hiện cảnh quay ở nhiều địa điểm khác nhau như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn và khu vực miền Trung, thời gian thực hiện phim kéo dài ròng rã hơn 2 năm trời.
Đã có nhiều phần phim mới ra đời, với những kịch bản và dàn diễn viên mới, nhưng chắc chắn khán giả vẫn ấn tượng với “bộ tứ” diễn viên chính: NSƯT Võ Hoài Nam, diễn viên Hoa Thúy, NSƯT Hoàng Hải và nghệ sĩ Văn Báu.
Đây là các diễn viên đảm nhận vai các chiến sĩ công an xuyên suốt trong 40 tập phim, bao gồm các phần: Ngược dòng cái chết (1997), Nước mắt của mẹ (1997), Truy đuổi tội phạm (1998), Cái chết con thiên nga (1998), Kẻ giả danh (1999), Bí mật giang hồ rắn (1999), Hãy về với em (2000), Từ đen đến trắng (2000).
Trong phim này, Văn Báu vào vai chiến sĩ cảnh sát Chu Văn Hòa. Qua mỗi tập phim, Chu Văn Hòa lại trưởng thành dần lên và được thăng chức đến Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm. Bộ phim ra mắt từng gây sốt người xem lúc bấy bấy giờ. Chính bởi diễn xuất rất thật và nhập tâm về nhân vật, nên đã có lúc nhiều người tưởng nghệ sĩ Văn Báu là người trong lực lượng vũ trang thực sự.
Để có được bộ phim thành công, cứ qua mỗi tập phim, nghệ sĩ Văn Báu lại phải học hỏi, hiểu thêm những suy nghĩ, tình cảm và những nét đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ công an. Khán giả vốn đã quen với Văn Báu trong vai diễn một cán bộ cốt cán, cần mẫn của lực lượng công an, luôn phải đối mặt với các tình huống nhiệm vụ, thử thách đấu trí trong mỗi vụ án trên phim.
Bằng lối thể hiện vừa trầm tư, kiên định, vừa sáng tạo, khôn khéo, ông luôn làm vừa lòng người xem, kể cả những người trong cuộc. Cũng nhờ quãng thời gian gắn bó với vai cảnh sát năm 2007, nghệ sĩ Văn Báu vinh dự nhận kỷ niệm chương từ bộ Công an cho những cống hiến của ông trong việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an qua những bộ phim.
Cái duyên đến với điện ảnh
Nghệ sĩ Văn Báu là gương mặt diễn viên được khán giả đặc biệt yêu thích của sóng truyền hình. |
Nghệ sĩ Văn Báu sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Có thể nói, ở Việt Nam hiếm có một gia đình nghệ thuật nào có số người tham gia làm nghệ thuật đông và nhiều thành tựu như gia đình cụ Nguyễn Văn Thịnh. Bốn cha con cụ Thịnh, thì 3 người được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, 1 người được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Hàng chục cháu, chắt của cụ Thịnh giờ là những nghệ sĩ có tên tuổi hoạt động ở nhiều địa phương trong cả nước, trong số đó có nghệ sĩ Văn Báu.
Ít ai biết, nghệ sĩ Văn Báu có giọng hát rất hay và từng là ca sĩ của đoàn Ca múa Tổng cục Hậu cần. Những năm tháng ở Trường Sơn đã rèn luyện Văn Báu trở thành một người lính thực thụ, cùng sống, chiến đấu với bộ đội ở các cung đường, binh trạm, các trọng điểm ác liệt, để đem lời ca tiếng hát động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta.
Sau giải phóng 1975, đoàn văn công Trường Sơn chuyển ra Bắc, do bị sức ép bom, sức khỏe giảm sút, năm 1980, ông xin chuyển ngành về làm phát thanh viên cho đài PT-TH TP.Hải Phòng. Đến năm 1995, ông xin nghỉ chế độ. Dù trong gia đình có nhiều người tham gia nghệ thuật nhưng cơ duyên đến với phim ảnh của nghệ sĩ Văn Báu lại rất muộn.
Với nhiều nghệ sĩ, tuổi 43 - độ tuổi chín muồi nhất của nghề thì Văn Báu mới chính thức bén duyên với phim ảnh. Văn Báu bén duyên điện ảnh cũng rất tình cờ, vào khoảng những năm 1992, đó là thời điểm Nguyễn Văn Thu (công tác tại Điện ảnh Công an nhân dân) làm bộ phim tốt nghiệp có tên Câu chuyện người tù.
Khi tìm diễn viên vào vai một thiếu úy quản giáo mà tìm mãi không được, nên lúc về Hải Phòng thì được giới thiệu đến Văn Báu. Thế là nghệ sĩ Văn Báu chạm ngõ nghệ thuật. Vai diễn ấy được nhiều người khen, từ đó nghệ sĩ Văn Báu dành tình yêu dành cho phim ảnh.
Bén duyên muộn màng nhưng nghệ thuật đã mang lại cho ông nhiều điều. Đến nay, sau nhiều năm hoạt động, nghệ sĩ Văn Báu đã gặt hái được nhiều thành công, ông được nhiều người yêu mến. Có khi khán giả quên cả tên thật của ông và gọi bằng tên vai diễn. Với người nghệ sĩ đó là một thành công, một cách được khán giả ghi nhận. Bây giờ, dù tuổi đã cao và đã thành danh, nhưng nghệ sĩ Văn Báu chẳng ngại lăn xả trên phim trường. Ở mỗi vai diễn, ông đều hết mình để cống hiến điều tuyệt vời nhất cho khán giả.
Làng điện ảnh Việt chẳng thiếu những nghệ sĩ tài năng, nhưng thật khó để tìm ra một gương mặt vừa toát lên vẻ nghiêm nghị, kiên quyết nhưng ẩn sâu sau đó là sự hiền lành, gần gũi và nhiều trăn trở như nghệ sĩ Văn Báu.
Cũng bởi lối diễn gần gũi, nhạy bén mà ông thường được các đạo diễn mời vào vai cảnh sát qua hàng loạt phim như: Lời sám hối muộn màng, Làng cát, Trò chơi sinh tử, Bí mật những cuộc đời, Chạy án 1, Chạy án 2, Bí mật tam giác vàng,...
Hiện tại, nghệ sĩ Văn Báu được xem là nam diễn viên sở hữu vai diễn cảnh sát nhiều nhất màn ảnh Việt. Ngoài những vai diễn công an, nghệ sĩ Văn Báu còn hóa thân ở nhiều vai diễn khác nhau trong một loạt phim như: Mái trường yên tĩnh, Hành trình bí ẩn,... Điều đó minh chứng cho khả năng diễn xuất tài tình của nghệ sĩ Văn Báu. Dù vào vai nào, ông cũng đều tỏa sáng và cống hiến hết mình vì nghệ thuật, vì khán giả thân yêu.
Nghệ sĩ Văn Báu luôn quan niệm tuổi tác không ảnh hưởng quá nhiều đến thành công trong nghề diễn. Quan trọng là sự học hỏi, tìm tòi và thái độ tận tâm, nghiêm túc của người nghệ sĩ trong quá trình làm nghề. Đó là lý do dù bước vào nghệ thuật khá muộn, lại lắm gian truân nhưng thứ thấy được qua các vai diễn của anh là tình yêu nghệ thuật chân chính.
Trúc Chi
Bài đăng ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 185