Sân khấu tại TP.HCM đang rơi vào cảnh “chợ chiều”. Đặc biệt, mùa mưa đang tới, lượng khán giả đến xem dự kiến sẽ càng đìu hiu. Để tránh trường hợp phải đóng cửa, các nghệ sĩ đành tìm cách tự cứu mình, cứu sân khấu. Trong khi Minh Nhí giảm giá vé cho sinh viên, Vân Sơn ra tận cổng đón khán giả thì một số nghệ sĩ lại đẩy mạnh việc quảng bá trên các trang mạng xã hội,...
Hòa vốn là may, nói gì đến lời lãi
TP.HCM từng được xem là nơi sân khấu hoạt động mạnh và có những bước chuyển mình ấn tượng. Ở thời kỳ hoàng kim, mỗi đêm khán phòng đều đầy ắp khán giả. Thế nhưng, chừng ba năm trở lại đây, nhiều sân khấu rơi vào cảnh “chợ chiều”, khán giả đến xem vơi dần, nhiều buổi diễn phải huỷ suất vì vé bán èo uột.
Hồng Vân từng được xem là bà bầu mát tay của sân khấu Phú Nhuận. Thế nhưng, khi được hỏi, chị phải thở dài: “Qua rồi thời hoàng kim của sân khấu. Nay, các đêm diễn chỉ cần hòa vốn là may mắn lắm rồi, đừng nghĩ đến lãi”. Vì thua lỗ nhiều, chị từng có ý định dừng hoạt động nhưng vì “máu nghề”, thương các anh chị em nên Hồng Vân lại tiếp tục gắng gượng. Để giữ sân khấu, chị phải chạy show ở ngoài, lấy tiền bù lỗ.
Idecaf đã từng là sân khấu đình đám, nhưng thời gian gần đây, số lượng vé bán ra giảm nhiều. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, doanh thu xuống thấp, sân khấu này đứng trước nguy cơ sẽ phải đóng cửa. Theo anh Anh Tuấn, một trong những nguyên nhân khiến sân khấu đi xuống như hiện nay chính là diễn viên trẻ không còn hăng hái tham gia các hoạt động sân khấu nữa. Bởi, cát-xê đóng phim, tham gia các gameshow cao gấp nhiều lần so với sân khấu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sân khấu khác trên địa bàn như Hoàng Thái Thanh, Nụ cười mới, Kịch Sài Gòn,... cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Chủ các sân khấu thừa nhận, theo đuổi việc kinh doanh sân khấu bây giờ là vì đam mê, xem sân khấu là máu thịt chứ không phải lời lãi...
Minh Nhí thừa nhận, vào đầu năm 2017, lúc anh khai trương sân khấu tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rất nhiều anh chị em nghệ sĩ tỏ ra ái ngại. Ai cũng cho rằng, anh gan lớn lắm mới dám mở sân khấu vào lúc này. Thế nhưng, Minh Nhí quyết làm vì thấy thị trường sân khấu ảm đạm nên mong muốn góp phần để nó phát triển hơn.
Vân Sơn - chủ sân khấu The V Show cho biết, mỗi đêm diễn chi phí mất khoảng 100 triệu đồng nhưng tiền thu lại không nhiều. Lắm hôm, đứng trên sân khấu diễn, nhìn xuống dưới khán giả lưa thưa mà lòng xót xa. “Nếu cứ đi diễn, kiếm cát-xê sẽ dễ sống hơn nhiều, không phải lo lắng cho ai. Tuy nhiên, nếu như thế thì mọi việc không diễn ra đúng ý mình. Do đó, tôi vẫn sống chết với sân khấu của mình”, anh chia sẻ.
Thay đổi để tự cứu mình
Nhiều ông bầu cho biết, trong thời điểm này, không dám đầu tư vở diễn mới. Cách mà các sân khấu lựa chọn là biểu diễn các vở cũ, nó vừa giảm chi phí vừa duy trì sáng đèn cho sân khấu. Tìm sự ổn định về doanh thu được xem là hướng đi chung. Do đó, các vở diễn như Nửa đời hương phấn, Hãy khóc đi em, 29 anh về,... của sân khấu Hoàng Thái Thanh đã quá 3 tuổi vẫn được diễn. Ở sân khấu kịch Phú Nhuận, các vở kịch ma đã quá 8 năm tuổi nhưng vẫn đem ra trình chiếu. Sử dụng vở diễn cũ tiết kiệm nhiều, nhưng lại khiến khán giả chán. Bởi, một khán giả chỉ xem vở diễn từ một đến hai lần và không quay lại nữa.
Nhiều sân khấu khác lại có cách tiếp thị riêng để thoát khỏi suy thoái. Vân Sơn là danh hài hải ngoại, mong muốn khán giả đến với The V Show nhiều hơn nên mỗi đêm, anh thường ra tận cổng để đón khách. Theo anh, đối với khán giả, nghệ sĩ khá xa cách nên anh nghĩ đến việc tạo mối quan hệ thân thuộc. Anh không ngần ngại bắt tay, ôm, trò chuyện, chụp hình chung,...
“Với cách này, tôi vừa làm khán giả vui lại vừa giúp sân khấu đông khách”, anh nói. Ngoài ra, Vân Sơn đang có ý định nhắm vào đối tượng khán giả là người ngoại quốc đến Việt Nam làm việc và khách du lịch. “Sân khấu Việt đang bỏ quên đối tượng khán giả này. Tiếp cận được với người nước ngoài, cũng là kênh quảng bá sản phẩm nghệ thuật Việt ra thế giới”, Vân Sơn cười tươi.
Trong khi đó, Minh Nhí lại chọn phương thức khác. Mỗi khi gặp khán giả, anh không ngần ngại giới thiệu về sân khấu của mình. Đối với khán giả là sinh viên, giá vé sẽ giảm từ 200 nghìn đồng xuống còn 120 nghìn đồng một vé.
Nghệ sĩ Minh Nhí. |
“Nhiều người cho rằng, nghệ sĩ đi giới thiệu sân khấu sẽ làm giảm uy tín là không chính xác. Tôi thấy, giúp khán giả biết đến tác phẩm nghệ thuật của mình là quý lắm chứ. Với cách này, sân khấu của chúng tôi vẫn luôn đông khách”, Minh Nhí chia sẻ.
Sân khấu cải lương Trần Hữu Trang lại dựa vào mối quan hệ của các nghệ sĩ. Do đây là sân khấu mới, nên NSND Trần Ngọc Giàu chọn phương thức nhờ các anh chị em nghệ sĩ tiếp thị thông qua kênh người thân và facebook. Mỗi khi sắp có suất diễn, các nghệ sĩ chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Thậm chí, họ còn gọi điện thông báo cho những người quen biết.
“Trong giai đoạn sân khấu gặp khó khăn, các nghệ sĩ giúp nhau phát hành vé cũng là điều bình thường. Sân khấu đông khách thì sẽ sáng đèn nhiều và nghệ sĩ cũng có nhiều suất diễn hơn. Nhờ cách này mà những vở diễn gần đây ở sân khấu của chúng tôi đều kín chỗ”, NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Huy Cường
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 91