+Aa-
    Zalo

    Nghệ sĩ Minh Nhí: Vẫn giữ nguyên vẹn chữ "thầy"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Minh Nhí cười tươi và đón tiếp chúng tôi một cách vui vẻ. Cuộc trò chuyện bắt đầu với những câu chuyện không đầu không cuối rôm rả...

    Minh Nhí cười tươi và đón tiếp chúng tôi một cách vui vẻ. Cuộc trò chuyện bắt đầu với những câu chuyện không đầu không cuối rôm rả, nhưng rồi giọng anh chợt trầm buồn khi nhắc về ngày xa xưa và trăn trở chuyện hiện tại.

    Khóc cười với “thằng kép”

    Minh Nhí kể, gia đình anh sống cạnh dòng Sa Giang (Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Là con áp út trong 8 anh em, Minh nhỏ thó nên được cha mẹ yêu chiều nhất. Ngay từ lúc còn nhỏ, anh đã có nhiều tài lẻ và khá thông minh. Cha mẹ đặt kỳ vọng sau này Minh Nhí sẽ trở thành bác sĩ. Thứ nhất, là vì nghề này cứu người; thứ hai, ông bà muốn con được mọi người gọi là “bác” một cách kính cẩn.

    Nghệ sĩ Minh Nhí.

    Tốt nghiệp phổ thông, Minh Nhí thi vào trường Y đúng như nguyện vọng của cha mẹ. Hôm có giấy báo, anh thất thần khi biết thiếu nửa điểm. Anh sốc, cha mẹ cũng sốc. Chưa bao giờ, anh và người thân nghĩ có ngày anh rớt đại học. Anh ngồi một mình ngắm dòng nước trôi mà lòng hiu hắt. Do điểm cao, anh được gọi đi học ngành sư phạm, nhưng không thích nên giấu nhẹm. Cha nuốt nỗi buồn vào trong, vỗ vai động viên: “Năm này không đậu thì còn năm sau”. Sau đó, cha mẹ chuẩn bị ba lô cho Minh Nhí lên nhà nội ở TP.HCM ôn thi. Anh vẫn đi học ngày hai buổi, bài vở ngập mặt như thời phổ thông.

    Một ngày, đi ngang trường đại học Sân khấu Điện ảnh, thấy có dòng thông báo chiêu sinh lớp diễn viên, Minh Nhí đăng ký tham gia với mục đích cho vui để giảm bớt stress vì bài vở. Mỗi tuần, Minh Nhí bỏ ra một ngày để học diễn. Dần dần, anh mê mẩn với những câu thoại, nhân vật hóa thân. Rồi, anh học diễn 3, 4 ngày/tuần. Thời gian trôi, ngày thi đại học lại đến, anh giật mình khi trong đầu chữ nghĩa tiêu hết, chỉ còn lại những tràng pháo tay của khán giả.

    Cũng lúc ấy, thầy Nguyễn Văn Phúc bảo: “Con nhỏ quá, lại không có sắc, nếu thi diễn viên thầy không thể chấm con đậu được”. Anh suy sụp, không hiểu chuyện gì đang diễn ra với mình. Với kiến thức èo uột, chắc chắn, anh sẽ lại rớt nếu thi ngành Y. Nhưng rồi anh quyết thi vào ngành đạo diễn và đậu cao. Cha mẹ vẫn nghĩ anh thi vào ngành Y, nên khi nhận được giấy báo của trường Sân khấu – Điện ảnh thì rất sốc.

    Cha gọi điện, bảo anh về nhà ngay lập tức. Vừa bước vào sân, anh đã nghe tiếng thút thít của mẹ, tiếng thở dài của cha. Cha gọi anh lên gác lửng, đó là nơi ông vẫn thường phạt mỗi khi các con làm gì sai phạm. Ông thả mình nặng nề xuống chiếc ghế đẩu: “Nếu con học ngành Y hay Sư phạm, mọi người sẽ gọi là bác, là thầy. Nếu con học sân khấu, mọi người sẽ gọi là thằng kép. Con cứ suy nghĩ đi”.

    Chưa bao giờ anh thấy ánh mắt của cha sâu thẳm như thế. Anh lặng im hồi lâu rồi nói: “Xin cha hãy cho con một năm”. Anh lại lên phố nhưng lần này không một người đưa tiễn... Minh Nhí học đạo diễn nhưng anh chị, bạn bè ngành diễn viên có bài tập nào đều xin tham gia. Năm cuối, bài thi môn dàn dựng và biểu diễn, anh đóng vai chính được phát trên truyền hình. Cha xem xong, gọi điện lên bảo: “Nổi tiếng rồi nha”. Anh cảm nhận được sự vui mừng trong bốn từ ấy. Nỗi lo suốt nhiều năm vơi dần.

    Minh Nhí và dàn hậu bối trong phim điện ảnh "Xóm trọ 3D".

    Ngày ra trường, thầy Phúc hỏi có muốn ở lại trường giảng dạy không? Rồi, anh theo chân thầy Công Ninh trợ giảng ba năm mới được bước lên giảng đường lần đầu với lứa học trò Ngọc Trinh, Lê Quốc Nam, Trung Lùn,... Một ngày cuối tuần, cả lớp cùng anh về quê chơi. Tối, má ghé tai bảo: “Ba mày nghe học trò gọi mày là thầy ưng bụng lắm đấy”. Cứ thế, chữ “thầy”, chữ “thằng” cứ đeo đẳng trong tâm trí và thôi thúc anh trong quá trình làm nghề.

    Đoạn trường rồi cũng qua

    Ngoài thời gian đi dạy, Minh Nhí đến các sân khấu để diễn. Cát-xê mỗi đêm chỉ đủ một tô phở, nhưng anh rất thích vì sự hào nhoáng của nghề. Anh biết, trời không cho anh thanh sắc nên phải lấy kỹ thuật đánh lại. Khi đồng nghiệp đã về, anh vẫn ở lại, tưởng tượng làm cách nào để khán giả có thể cười và ấn tượng với mình. Rồi, anh cũng được tổ đãi. Cách diễn phi lý của anh trở thành món ăn lạ và được đón nhận khắp nơi.

    “Những năm 90, vàng 4 triệu/lượng, mỗi đêm tôi kiếm được hơn 10 triệu”, anh nói. Kiếm được số tiền quá lớn, anh không toan tính đến tương lai mà “đốt” vào các quán bar. Ngày ấy, sau mỗi buổi diễn, anh lê la từ vũ trường này đến vũ trường khác. Khi đang ở đỉnh cao của nghề, anh sang Mỹ cưới vợ.

    Gần một năm sau, anh trở về và biến cố tìm đến. Anh bảo, có nhiều hiểu nhầm xảy ra, phải chi khi đi, anh làm cái đơn rõ ràng nêu lý do hoàn cảnh để xin nhà trường thì đã không nhận quyết định kỷ luật. Đau đớn hơn, anh bị cấm diễn 6 tháng.

    Đó là khoảng thời gian khó khăn, mọi thứ như đổ vỡ hết. Anh phải bán xe hơi, bán một phần nhà để sống. Mỗi đêm, anh đóng cửa, tự tập vở diễn một mình mà cứ tưởng tượng những tràng pháo tay,... Khi còn trên đỉnh cao, lớp người này đến lớp người khác đến, anh vung tiền chi tiêu, thế nhưng khi ngã ngựa, xung quanh anh chẳng còn một ai. Anh hối hận về khoảng thời gian tung tẩy tại vũ trường và từ đó đến nay, anh chưa bước vào đó một lần nào nữa.

    Hết thời hạn cấm diễn, Minh Nhí lại lần tìm đến sân khấu. Lúc này, anh được nghệ sĩ Hồng Vân động viên, giúp đỡ nhiều. Anh không được lên giảng đường nữa và rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến chữ “thầy” và chữ “thằng” cha từng căn dặn. Anh không muốn cha ở dưới chín suối phải buồn về mình nên bàn tính với Hồng Vân mở trường đào tạo diễn viên và được đồng ý.

    Hồng Vân và Minh Nhí rất thân thiết.

    Minh Nhí chia sẻ, khi còn ở trên đỉnh cao danh vọng anh rất chảnh. Lúc xảy ra biến cố, anh nhận ra nhiều điều và thay đổi cách sống rất nhiều. Nếu trước đây, bất kể có chuyện gì, anh cũng có thể nổi nóng, khó chịu thì nay phải suy xét, giải quyết nhẹ nhàng.

    “Tôi nhận ra, nhiều người trước mặt thì dạ vâng nhưng sau lưng chẳng coi mình ra gì. Đối với những người ấy, mình càng nói nhiều thì họ càng ghét”, anh nói. Giai đoạn bị cấm diễn, vì quá buồn, anh thường tìm đến các chùa để tìm sự an nhiên. Anh chia sẻ nỗi lòng, tiếc nuối quá khứ với một sư thầy. Vị này khuyên: “Cái gì của con là của con. Cái gì không phải của con thì sẽ chẳng bao giờ thuộc về con. Nếu con còn duyên với sân khấu thì nó sẽ tự quay lại. Ngược lại, nếu con hết duyên thì dù có dằn vặt cũng chỉ đau khổ thuộc về con”.

    Anh ngẫm nghĩ nhiều về câu nói này và thay đổi cách nghĩ, nhẹ nhàng hơn trong cách nhìn nhận. Anh mang câu chuyện cuộc đời mình soi chiếu, dạy dỗ cho học trò. Anh vẫn thường dạy các em, nếu có duyên thì sẽ nổi tiếng và chẳng ai có thể ở trên đỉnh cao sự nghiệp mãi. Nếu may mắn được nổi tiếng, không nên chảnh chọe, tiêu tiền không tiếc như thầy ngày trước. Thay vào đó, phải biết nhường nhịn, nâng đỡ những người khác và tiết kiệm, đầu tư cho tương lai.

    Minh Nhí cho biết, nhiều người đề cập đến chuyện anh thua kém học trò như Việt Hương, Thu Trang, Thúy Nga... Anh chỉ cười tươi và bảo, đó là niềm vui của một người thầy. Mình có thể không giàu bằng học trò nhưng về học thuật, kỹ năng biểu diễn thì chưa chắc thua. Anh chỉ cảm thấy buồn, khi học trò gặp mà ngó lơ hoặc bảo không phải là học trò của Minh Nhí.

    “Phải mừng khi các diễn viên nổi tiếng gặp vẫn vui vẻ gọi mình là thầy chứ. Ngày xưa, tôi buồn nhiều thứ lắm. Nay, tôi thấy, có công việc, được sống với công việc là vui rồi”, anh cười. Đến nay, anh vẫn giữ nguyên vẹn chữ “thầy”.

    Huy Cường

    Dẫn nguồn từ báo giấy Đời sống & Pháp luật số tháng 30

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-si-minh-nhi-van-giu-nguyen-ven-chu-thay-a197602.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan