Để nuôi con, nghệ sĩ hài Tiểu Bảo Quốc phải tiết kiệm tối đa, đến mức đi ăn với bạn, anh thường xin đồ ăn thừa mang về. Bước qua những vất vả cay đắng, nam nghệ sĩ tự hào khi có được những thành quả ngọt ngào từ nghề nghiệp cũng như đứa con trai ngoan hiền, biết san sẻ vui buồn cùng cha.
Danh hài Tiểu Bảo Quốc 17 năm gà trống nuôi con. |
Hào quang cấp thời không là mãi mãi
Nhiều nghệ sĩ miệt mài nhận việc để rồi ngủ gật ngay trên phim trường, trong cánh gà sân khấu. Anh có như vậy không?
Tôi nghĩ, nghề này không nên tham việc, chứ mình tiếc cái này tham cái kia, rốt cuộc lại không hiệu quả. Mình lại tự phá sức của mình. Tuổi trẻ, mình bán sức khỏe để kiếm tiền. Đến tuổi trung niên, mình lại lấy tiền mua sức khỏe. Con người cũng như cái máy, chạy hoài với tốc độ cao thì tuổi thọ giảm. Tôi cũng đã lớn tuổi nên tôi chủ động bớt việc lại. Có tháng ít việc, có tháng nhiều việc, tôi ráng chia ra cho đều. Tôi có uy tín trong nghề nên người ta thường ưu tiên sắp xếp lịch quay hợp lý. Mình ham tiền kiểu đó là mình chết. Mình tự giết mình, rồi còn ảnh hưởng đến cả một tập thể, hiệu quả công việc không tròn.
Nhưng khi đi chậm lại, bớt việc đi, anh không sợ hào quang cũng sẽ biến mất?
Không sao hết. Đối với một người đã yêu nghề, lúc nào Tổ cho thì sẽ cho, lúc nào khán giả cho thì sẽ cho nhưng quan trọng, hào quang cấp thời không là mãi mãi. Quan trọng là trong lòng quần chúng nhân dân. Tôi đi ăn được khán giả trả tiền hoài. Họ thương họ trả tiền tô phở, tô hủ tiếu, rồi còn khen tôi những lời rất chân thật, không sáo rỗng.
Tôi đi vào lòng khán giả từng bước từng bước một. Mình diễn một nhân vật mang thông điệp giáo dục, tình yêu thương... khán giả rất trân trọng. Dẫu mình không nổi bật, tỏa sáng ngày nhưng từng vai diễn của mình cứ âm ỉ từng ngày này qua tháng khác, rồi in sâu trong lòng người xem. Nghệ sĩ mà được khán giả in sâu vào lòng thì sống mãi mãi. Tới lúc mình già, chết đi, khán giả vẫn nhớ.
Ở thời điểm này, khi nhớ về những ngày mới bước vào nghề, cảm xúc của anh như thế nào?
Ban đầu, tôi không thích làm nghệ sĩ. Tôi nghĩ tại nghề này mà ba mẹ tôi chia tay. Tại nghề này, tôi không đủ cha đủ mẹ. Hẳn nhiên, cha tôi bỏ mẹ tôi đi lấy người khác cũng từ tính nghệ sĩ mà ra. Ít năm sau, mẹ tôi cũng đi lấy chồng khác. Tôi sống với ông bà ngoại. Sống thiếu tình thương cha mẹ, tôi phải tự học cách lấy lòng thương của ông bà ngoại. Để chi, để có chỗ ở, chỗ ăn, chỗ đi học. Lâu lâu, mẹ có gửi tiền về nhưng cũng chỉ đủ đóng tiền học.
Thiếu sự quan tâm, tôi học hành cũng không tới nơi tới chốn. Tôi buồn, tôi ghét nghệ sĩ, muốn học nghề sửa chữa điện tử. Khiến xui thế nào, bà ngoại theo đoàn hát. Biết đoàn thiếu người phụ trách âm thanh, ánh sáng, bà liền hỏi tôi có làm không. Thanh niên mới lớn, thấy có việc, tôi làm thôi. Đi vô đoàn làm, tôi mới thấy có nhiều cái hay. Ba Minh Phụng nhận tôi làm con nuôi. Đoàn hát thiếu diễn viên, tôi cũng nhảy ra làm. Làm riết, nghề dạy nghề. Quá trình gian nan lắm.
Muốn được khán giả biết tên, muốn được khán giả công nhận, muốn được trong giới công nhận... cả một quá trình. Phải khổ sợ, thất bại, bị chà đạp, bị hất hủi, nếm đủ cay đắng thì khi được khán giả biết tới, sẽ mừng và hạnh phúc, không dám đòi hỏi gì nữa. Quan trọng, hàng ngày phải có tiền nuôi con, nuôi gia đình, muốn dư phải cần kiệm.
Xin đồ ăn thừa trên bàn nhậu mang về nhà
Anh có nghĩ gia đình nhỏ của anh không hạnh phúc cũng do cái nghề mang đến?
Không, tôi biết thương vợ thương con lắm. Tôi có tâm niệm, không bao giờ bỏ vợ nhưng lịch đi làm của tôi lại trái ngược với đại đa số, ngày người ta nghỉ, tôi phải đi diễn. Đó cũng là thiệt thòi cho vợ con. Thời gian dẫn vợ con đi du lịch ít lại. Tôi bù đắp bằng cách, hễ diễn xong, dù 12h khuya, tôi vẫn chạy về nhà chở vợ con đi ăn đi chơi. Tôi mệt mỏi lắm chứ, nhưng mình phải bù đắp cho vợ con. Nếu vợ thương và hiểu cho tôi, cùng tôi san sẻ, còn không hiểu và chọn ra đi thì tôi vẫn phải chấp nhận.
Con trai có bao giờ hỏi anh về mẹ không?
Lúc nhỏ, con có hỏi. Sau đó, con tự tìm hiểu thêm từ bà con, lối xóm, rồi quyết định ai đúng ai sai. Chứ lời tôi nói cũng chỉ từ một phía, dù tôi luôn đứng ở cửa giữa để nói cho con hiểu. Tôi thường nói, lỗi ở duyên nợ thôi, mẹ đi thì ba nuôi con.
Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sông & Pháp luật Chủ Nhật số 36