+Aa-
    Zalo

    Nghệ nhân tranh đá với tuyệt tác về bút tích Di chúc Bác Hồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang dồn hết tâm sức, tình cảm của mình gửi vào tranh đá để kể cho muôn đời sau câu chuyện cảm động về cuộc đời và sự nghiệp bác Hồ.

    (ĐSPL) - Dồn hết tâm sức, tình cảm tôn kính của mình gửi vào tranh đá để kể cho muôn đời sau một câu chuyện súc tích, cô đọng, cảm động về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh là một việc hiếm có mà nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang (Lâm Thao, Phú Thọ) đã làm được.

    Bất cứ ai, nếu tận mắt xem tranh đá của ông dù chỉ một lần cũng sẽ "như được gặp lại, nghe lại, học lại những gì Bác đã căn dặn con cháu", Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi thư khen ngợi tài năng của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang như thế.

    Nghệ nhân tranh đá với tuyệt tác về bút tích Di chúc bác Hồ

    Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang bên tác phẩm tranh đá yêu thích của mình.

    Vị tướng khóc vì "gặp" Bác trong tranh

    Người con Đất Tổ chậm rãi bắt đầu câu chuyện với tôi bằng ký ức thời thơ bé gắn liền với đam mê hội họa. Cậu bé Triệu Hoàng Giang đã từng được hợp tác xã Sơn Vi chấm công điểm, miễn lao động vì thành tích vẽ tranh sinh vật để phục vụ bài giảng của các thầy cô giáo trong trường. Học hết lớp 12, với nhiều thành tích, ông được chọn đi học ở Bungari và rồi bén duyên với nghệ thuật điêu khắc. Nhiều lần, ông nghe thầy giáo lấy hình ảnh Hồ Chí Minh ở Việt Nam làm tư liệu cho bài giảng thì rất thích thú. "ở một nước thuộc Đông âu xa xôi mà người ta biết đến Hồ Chủ Tịch, tôn vinh Người thì tôi xúc động và hãnh diện lắm. Tôi đã bắt đầu ấp ủ những tác phẩm điêu khắc cho riêng mình".

    Hình ảnh đáng kính về Bác đã có rất nhiều nhưng chủ yếu xuất hiện trên tranh ảnh giấy hoặc những chất liệu gia công. "Tôi muốn lưu giữ hình ảnh của Người trường tồn tới muôn đời sau. Bởi vậy, tôi đã chọn chất liệu đá tự nhiên để thể hiện ý tưởng của mình", ông Giang chia sẻ.

    Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện ý tưởng, ông đã phải rất khó khăn và vất vả ngay từ việc tìm và chọn đá. Loại đá xanh, không một vết xước, mặt đá phẳng như gan gà vô cùng hiếm. ông đã cất công đi qua nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An... mà vẫn không ưng ý với bất cứ loại đá nào tìm được. Nhiều lần, ông phải ăn ngủ lại rừng núi nhiều ngày liền để chờ lấy một vài khối đá. Nhưng lấy được rồi thì đá lại không đạt chất lượng. Rất may, đang nản lòng thì ông nghe một kỹ sư địa chất giới thiệu đến vùng Đông Sơn, Thanh Hóa, xung quanh khu núi Nhồi có loại đá xanh mà ông cần.

    Tìm được đá ưng ý đã khó, vận chuyển đá về nhà lại khó hơn. Tiền mua một khối đá với kích thước tầm 30x40cm không phải là lớn, nhưng công sức để vận chuyển được đá về nhà lại không gì đong đếm được. Tảng đá thử nghiệm ông mang về từ xứ Thanh đã lên được hai mảng màu đen trắng như ý. ông vui lắm. Màu tranh hoàn toàn là màu tự nhiên của đá mà không cần dùng bất cứ chất liệu phụ nào. Màu đen được nghệ nhân khéo léo tạo ra bằng cách dùng giấy ráp và nước đánh thật kỹ, còn nếu để nguyên đá thì có màu xanh trắng rất đẹp. Tranh đá khắc xong, nếu không tận mắt nhìn tranh nổi trên mặt đá, người ta dễ bị nhầm tưởng với tranh thủy mạc vẽ bằng chì.

    Nghệ nhân tranh đá với tuyệt tác về bút tích Di chúc bác Hồ

    Tác phẩm tranh đá Bút tích bản Di chúc cuối cùng của Bác Hồ được nghệ nhân khắc nổi trên đá.

    Chọn hình ảnh lãnh tụ đưa vào tranh đá là vô cùng khó, đòi hỏi nghệ nhân điêu khắc phải rất kiên trì. Sau gần hai mươi năm mải miết với nghề, đến nay, ông đã có một bộ 30 bức tranh tái hiện cuộc đời và sự nghiệp vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Từ những bức tranh đầu tiên tạc ngôi nhà ở làng Hoàng Trù và làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An), rồi việc Bác ra đi tìm đường cứu nước và về nước thành lập Mặt trận Việt Minh, chỉ huy trên các mặt trận chống Pháp, hình ảnh Bác ở chiến khu, Bác ở Đền Hùng... và kết thúc bộ sưu tập bằng bản thảo di chúc cuối cùng của Người... Tất cả đều được khắc họa tinh xảo, chân thực.

    Ông chia sẻ: "Sau những bức tranh ban đầu, tôi đã nhận được sự gợi ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ý Bác cũng là lòng dân, tôi đã làm tranh theo trình tự và có bước trưởng thành của lịch sử trong đó". Năm 2004, Trung tướng Phạm Hồng Cư có đến thăm tranh của ông qua lời giới thiệu của một cựu chiến binh. Vị tướng ấy vô cùng xúc động và đã khóc ngay sau giây phút đầu tiên "gặp" lại Bác trong bức tranh đá ông treo trang trọng giữa nhà. Tất cả những điều đó là động lực tinh thần lớn lao để nghệ nhân Triệu Hoàng Giang tiếp tục gửi tình cảm và nhiệt huyết của mình vào mỗi tác phẩm. Bởi có những thời điểm, ông vẫn nhớ: "Vợ tôi đã phải đi gặt lúa thuê với mức tiền công chỉ 50.000 đồng/một ngày để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình vì tôi đã dồn hết tâm sức và thời gian cho lao động nghệ thuật".

    Những con chữ của lòng kính yêu

    Trong quá trình làm tranh, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã phải sử dụng nhiều kỹ thuật đặc biệt. Có những dụng cụ thủ công đặc thù cho công việc mà không ở đâu bán, ông phải tự chế tạo. Nhìn những bức tranh đá của ông, từng sợi tóc của Bác Hồ được khắc vào tranh có hồn như đời thực mới thấy được hết trình độ chế tác cao siêu đến nhường nào.

    Tác phẩm bản thảo Di chúc cuối cùng của chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa không sai sót hay thiếu hụt dù chỉ một nét gạch xóa là một tuyệt tác trong những sáng tác nghệ thuật của ông từ trước đến nay.

    Để đưa được hồn chữ của Bác lên đá, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã phải rất tỉ mẩn đến từng tiểu tiết, dùng kính hiển vi trong suốt quá trình lao động nghệ thuật để không bị mất từ một dấu chấm, dấu phảy. Chữ được đục nổi lên trên mặt đá với kích cỡ đúng bằng nét bút mà Bác soạn thảo Di chúc trên giấy. "Nuôi" được nét chữ nào là phải đục ngay xung quanh chữ để hạ nét xuống. Nếu không cẩn thận, chỉ sứt một nét chữ nhỏ thôi là coi như phải bỏ đi cả bản thảo.

    Cứ tỉ mỉ như thế, mỗi ngày, ông làm được 1 - 2 chữ cái. Tác phẩm hoàn thành sau 19 tháng, vừa kịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác vào năm 2009. Điều đặc biệt, ông làm tuyệt tác này hoàn toàn vào ban đêm. Có những ngày thấy hàng xóm rủ nhau đi chợ, ông mới tranh thủ chợp mắt, lấy sức để làm tiếp.

    Hình ảnh lãnh tụ chưa từng có trên thế giới

    Đó là hình ảnh Bác Hồ quan sát trận địa Đông Khê (Cao Bằng) trên núi Báo Đông trong chiến dịch Biên Giới năm 1950 được ông đặc tả ba lần trong tranh đá của mình. Nhà điêu khắc cho biết: "Hình ảnh một vị lãnh tụ xắn quần chỉ huy mặt trận rất gần gũi và chưa từng có trên thế giới. Bởi vậy, tôi đã lấy hình ảnh này để tạc bức tranh đá đầu tay của mình. Bên cạnh đó, tôi tái hiện trong bức tranh đá lớn nhất bộ sưu tập nặng 5 tạ được làm trong thời gian lâu nhất là ba năm", ông nói. Ngoài ra, một bức tranh đá về hình ảnh này được nghệ nhân tặng lại cho bảo tàng Hồ Chí Minh.

    Khó nhất là đôi mắt

    Theo ông Giang, điều khó nhất khi tạc tranh đá về Bác Hồ là khắc họa đôi mắt. Thông thường, một bức tranh tạc trong ba tháng thì ông phải dành riêng một tháng thể hiện đôi mắt. Triệu Hoàng Giang cũng là một trong rất ít nghệ nhân có thể tạc tranh tượng khóc như đời thực. Trong các bức tranh của mình, có những nụ cười của Bác Hồ được ông sáng tác từ những phút xuất thần mà không thể làm lại lần thứ hai.

    Tâm sự với PV, ông Giang nói: "Mỗi tác phẩm tôi làm đều có sự thăng hoa nhất định. Nhưng riêng với bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác, tôi hoàn toàn làm trong trạng thái thiền tâm". Có lẽ vì thế, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi xem tác phẩm của ông đều phải thốt lên rằng: "Tranh như có bàn tay Bác Hồ chỉ dẫn".

    Tranh đá của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã được trưng bày nhiều nơi, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước biết tới và khen ngợi. Đặc biệt, bộ tranh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trân trọng trưng bày tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội nhân kỷ niệm lần thứ 96 ngày sinh của mình.

    Được biết, tâm nguyện của ông Giang là có thể làm hết cả bảy bản thảo di chúc của Bác trên bảy khối đá lớn có trọng lượng từ 1-2 tấn. Hy vọng, ông sẽ sớm thực hiện được ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Để tranh đá về Hồ Chủ Tịch vươn xa ra tầm thế giới".


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-nhan-tranh-da-voi-tuyet-tac-ve-but-tich-di-chuc-bac-ho-a48993.html
    Giải mã Di chúc Hồ Chí Minh

    Giải mã Di chúc Hồ Chí Minh

    Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm là bản được công bố trong lễ truy điệu Người ngày 9/9/1969 tại Hội trường Ba Đình.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Giải mã Di chúc Hồ Chí Minh

    Giải mã Di chúc Hồ Chí Minh

    Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm là bản được công bố trong lễ truy điệu Người ngày 9/9/1969 tại Hội trường Ba Đình.

    Phải làm gì để thực hiện tốt di chúc Bác Hồ?

    Phải làm gì để thực hiện tốt di chúc Bác Hồ?

    (ĐSPL) – "Thực hiện tốt theo Di chúc của Hồ Chủ Tịch, chúng ta phải tập trung chống lãng phí, tham nhũng, chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên".