Ngày nay, không chỉ giữ gìn “lửa nghề” truyền thống, những nghệ nhân, thợ giỏi ở xã Bát Tràng còn sáng tạo ra những sản phẩm khác biệt, định vị thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa Bát Tràng trở thành một trong những làng nghề phát triển nhất ở Hà Nội hiện nay. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất ở đây thu về gần 30 triệu USD chỉ từ hàng xuất khẩu, chưa tính tới lượng tiêu thụ trong nước
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bát Tràng nổi danh nghề làm gốm, là một người say mê với nghệ thuật gốm, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đã nghiên cứu rất nhiều về công nghệ, mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại bậc nhất vào các công đoạn sản xuất gốm sứ của Hợp tác xã (HTX): máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền ly tâm, lò nung đốt liên hoàn bằng điện, máy in hoa văn... Nhờ đó, các sản phẩm gốm của HTX luôn được thị trường đón nhận, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và kinh tế, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường trong nước và nước ngoài trên 50.000 sản phẩm các loại, với nhiều chủng loại và mẫu mã đa dạng. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông Tân được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ…
“Để nhận diện sản phẩm gốm trên thị trường, trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm, chúng tôi đều cho ra những bộ sản phẩm khác nhau. Phân loại từng sản phẩm và “thổi hồn” màu sắc, họa tiết phù hợp với văn hóa vùng miền của khách nội địa và quốc tế” - nghệ nhân Trần Đức Tân cho biết thêm.
Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Đức Tân cho biết: Suốt 30 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ ngừng học hỏi để hoàn thiện hơn sản phẩm gốm của Bát Tràng. Khi biết đến chương trình OCOP, tôi biết đó là một cơ hội, thách thức cho bản thân và thương hiệu gốm của HTX Tân Thịnh.
Với những động lực đó, chúng tôi đã sáng tạo nên bộ sản phẩm gốm men suối ngọc. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu gốm sứ truyền thống với công nghệ mạ kim loại hiện đại. Vậy nên dòng gốm này có độ bền, lại vừa có tính thẩm mỹ cao, dễ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”, ông Tân nói.
Để tạo ra tác phẩm có sự khác biệt HTX Tân Thịnh đã chế tác thành công từ những nguyên liệu trong nước, các loại quặng kim loại trong lòng đất hàng triệu năm, kỹ thuật pha chế trang trí công phu khi được nung ở nhiệt độ 12500C, tạo ra các màu men có hiệu ứng hỏa biến sống động như ngọc trên tác phẩm. Tác phẩm trang trí có mỹ ý từ trong tâm biểu tượng cho bầu trời, biển khơi, mang lại ý nghĩa của âm dương ngũ hành.
Gốm Bát Tràng là minh chứng cho câu chuyện biến đất thành vàng. Bên cạnh đó, sản phẩm này mang 5 màu sắc biểu tượng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đồng thời, sản phẩm cũng là sản phẩm hội tụ 5 loại men xưa của gốm Bát Tràng. Bản thân người nghệ nhân khi làm ra sản phầm này cũng mong muốn mang những điều tốt lành, bình an cho người sở hữu.
Những nỗ lực của nghệ nhân Đức Tân đã đạt kết quả, ngay đầu năm 2019, khi HTX Tân Thịnh đưa bộ sản phẩm này đi tham dự Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Và tại buổi triển lãm, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 7095/QĐ-UBND, ngày 13/12/2019 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP năm 2019 (đợt 1), bộ sản phẩm gốm sứ men suối ngọc đã được đánh giá có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Cuối cùng, đầu năm 2020, bộ sản phẩm men suối ngọc của HTX Tân Thịnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP cấp quốc gia.
Đặc biệt, trên mỗi sản phẩm, nghệ nhân thư pháp của làng gốm Bát Tràng đã chắp bút những câu danh ngôn, triết lý của cha ông để truyền tải cho thế hệ sau. Mỗi khách hàng sẽ tự lựa chọn những điều mà mình muốn viết lên sản phẩm gốm men Suối Ngọc. Bởi vậy, mỗi sản phẩm đó sẽ là duy nhất và mang theo cá tính, ngụ ý riêng của người sở hữu. Những tác phẩm thư pháp trên gốm của nghệ nhân Trần Đức Tân - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh đều do chính vợ của ông – nghệ nhân Nguyễn Thu Hằng chắp bút.
Chính từ ý nghĩa đó, tác phẩm “Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc” của nghệ nhân Trần Đức Tân cho người thưởng ngoạn cảm nhận về sự kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang lại giá trị tinh thần vô giá, hướng đến cái chân thiện mỹ, đem đến sự bình an, hạnh phúc và thành đạt.
Với những ý nghĩa đó, năm 2023, Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của HTX Tân Thịnh vinh dự là một trong 2 doanh nghiệp được vinh danh sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây cũng là một trong 2 doanh nghiệp của làng gốm Bát Tràng được vinh danh sản phẩm OCOP 5 sao, góp phần nâng tầm thương hiệu gốm đã có hơn 1.000 năm lịch sử.
Ông Tân chia sẻ: Gốm Bát Tràng nổi tiếng khắp nước, thậm chí đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, song cách làm từ trước đến nay vẫn còn mang nặng cảm tính của từng hộ kinh doanh. Tham gia chương trình OCOP sẽ là nền tảng khuyến khích các cơ sở sản xuất ở Bát Tràng đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn rộng đến thị trường quốc tế. Từ đó, Bát Tràng sẽ trở thành trung tâm giao lưu giữa Hà Nội với cả nước trong Chương trình mỗi làng một sản phẩm. Thông qua bộ tiêu chí của OCOP giúp các hộ kinh doanh định hướng được những bước đi tiếp theo, từng bước hoàn thiện sản phẩm để nắm bắt thị trường tốt hơn, khẳng định thương hiệu gốm Bát Tràng trên thương trường.
Hơn nữa, OCOP còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê, kế tục, giữ gìn phát triển nghề truyền thốngHơn nữa, OCOP còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê, kế tục, giữ gìn phát triển nghề truyền thống. Đối với tôi đó là một vinh dự mà không phải ai cũng có được. Đây là cơ hội để HTX Tân Thịnh khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường quốc tế.
Theo Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, lũy kế đến nay, thành phố đã có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao). Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên), mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Để sản phẩm OCOP vươn xa hơn thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục coi trọng chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đồng thời tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông; tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Với sự vào cuộc đồng bộ, chủ động của các cấp, các ngành và các chủ thể, chắc chắn thành phố sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và tăng sức tiêu thụ trong, ngoài nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.
Thanh Tâm