(ĐSPL) - “Kỷ niệm của tôi là ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của bị cáo dành cho khi được tòa tuyên vô tội, hay việc tôi bào chữa miễn phí cho một Đương sự do anh ta quá nghèo và tàn tật, tôi dành ánh mắt đầy trân trọng đối với họ” – Luật sư Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Đại Nam chia sẻ.
Nghề Luật sư là nghề cao quý trong xã hội, là cán cân công lý nhưng chịu nhiều gian truân vất vả. Hiện nay theo thống kê, nước ta có khoảng 9.000 luật sư, trong đó khoảng 50% là có hoạt động hành nghề, khoảng 10% luật sư sống bằng nghề (luật sư chuyên nghiệp). Chia sẻ về nghề, PV đã có cuộc phóng vấn Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Đại Nam, người có nhiều năm gắn bó với ngành luật, sống với ngành và thường xuyên bào chữa miễn phí cho nhiều Đương sự nghèo.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Đại Nam |
PV: Thưa Luật sư (LS), hiện tại ở Việt Nam những LS hoạt động và sống với ngành Luật không nhiều. Vậy lý do LS gắn bó nhiều năm với ngành này là gì?
LS Nguyễn Anh Tuấn: Tôi đến với nghề Luật sư xuất phát từ đam mê tìm tòi, nghiên cứu, vì trước khi làm nghề này tôi đã từng làm khá nhiều nghề khác. Tuy nhiên, để gắn bó tôi với nghề này chính là những khách hàng những người mà tôi bảo vệ - họ đã đặt lòng tin vào tôi. Bằng vốn kiến thức của mình cùng với sự đồng cảm, chia sẻ với những bức xúc, thiệt thòi của khách hàng là động lực để tôi làm hết mình để làm sao xứng đáng với lòng tin đó. Mặt khác, khi hành nghề Luật sư tôi được độc lập và không bị chi phối bởi bất kỳ áp lực nào.
PV:Luật sư đánh giá thế nào về ngành Luật nói chung ở nước ta về số người được hành nghề và số lượng cấp bằng?
LS Nguyễn Anh Tuấn: Một xã hội văn minh, một Nhà Nước Pháp quyền thì vai trò Luật sư sẽ được coi trọng. Điều đó có nghĩa là nghề Luật sư là không thể thiếu được ở nước ta.. Theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/201 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể tính đến năm 2015, phát triển số lượng luật sư khoảng 12.000 luật sư, mỗi năm được từ 800 đến 1000 người, trong đó, tại mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phát triển được từ 2 đến 3 luật sư. Phát triển đội ngũ luật sư hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật, chú trọng đến việc đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt khoảng 1.000 luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 - 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500 đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30 đến 50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.
Tuy nhiên, theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến nay, số lượng Luật sư của nước ta mới chỉ đạt gần 10.000, con số này là thấp, có thể khó đạt chỉ tiêu đặt ra. Ngoài ra, phân bổ Luật sư tại các đại phương không đồng đều, tập trung tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh có số lượng Luật sư rất lớn, trong khi đó có những tỉnh có dưới 10 Luật sư như các tỉnh vùng biên Lai Châu, Điện Biên, … Số lượng Luật sư có khả năng tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế cũng rất ít.
PV:Nhiều năm hoạt động trong nghề, đối với Luật sư những vấn đề nào thực sự khó khăn khi hoạt động nghề Luạt sư?
LS Nguyễn Anh Tuấn: Nghề luật sư là một nghề khó khăn. Cái khó khăn thứ nhất là để làm sao có được khách hàng. Tâm lý người dân nước ta vẫn còn hoài nghi về vai trò và hiệu quả của Luật sư xuất phát một phần cũng vì thiếu tin tưởng vào bộ máy pháp luật. Với người giàu luôn có tâm lý muốn giải quyết vụ việc bằng các mối quan hệ; còn với người nghèo, chi phí thuê luật sư lại là một khó khăn không nhỏ đối với họ.
Thứ hai, hoạt động của Luật sư cũng rất khó khăn bởi sự thiếu thiện cảm hợp tác của các cơ quan chức năng như Cơ quan điều tra, các cấp chính quyền... Trong hoạt động tố tụng vai trò của Luật sư cũng chưa được Luật hóa theo hướng nâng cao theo đúng vai trò vị trí của nó..
Nói về khó khăn chủ quan tất nhiên Luật sư nào cũng vậy thôi, kiến thức Pháp luật là chưa đủ. Để hành nghề có hiệu quả cần phải có nhiều kiến thức trong nhiều lĩnh vực để làm rõ bản chất các mối liên quan mà tội phạm hoặc tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực đó. Tôi không phải là chuyên gia của mọi lĩnh vực, do đó gặp vụ án trong lính vực nào mà mình hiểu biết còn hạn chế thì sẽ mất nhiều thời gian để tìm hiểu lĩnh vực đó. Còn về khách quan thì chính là những khó khăn tôi đã nêu trên.
PV:Xin anh chia sẻ một chút về một vài kỷ niệm trong thời gian hoạt động như Đương sự quá nghèo, bào chữa miễn phí, đối đầu chủ tọa gay gắt...?
LS Nguyễn Anh Tuấn: Thật ra đối với tôi Đương sự quá nghèo, bào chữa miễn phí, đối đầu chủ tọa gay gắt...không phải là những kỷ niệm; đó là chuyện thường xuyên đối với một Luật sư. Kỷ niệm của tôi là ánh mắt, nụ cười của bị cáo dành cho tôi mà tòa tuyên vô tội; hay chính ánh mắt đầy trân trọng của tôi dành cho một khách hàng miễn phí vì anh ta tàn tật, nghèo và quá khó khăn. Tôi muốn giúp anh ta thêm ít tiền để chia sẻ một phần nào những khó khăn đó nhưng anh ta kiên quyết không nhận. Anh ta tuy nghèo, tàn tật nhưng quả là một con người rất tự trọng trong khi xã hội ta có rất nhiều người thiếu liêm sỉ.
Mọi con đường đi đến thành công đều gập ghềnh gian khó. Nghề luật sư cũng vậy, muốn thành công chúng ta phải trải nghiệm qua khó khăn. Khi hội tụ đủ cố gắng, say mê, tâm huyết và ý chí thì chắc rằng chúng ta sẽ là luật sư thành công với tương lai đầy hứa hẹn.
Vâng xin cảm ơn Luật sư, chúc Luật sư có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp vì cán cân công lý!