Bàn chân bị sưng, một phụ nữ 64 tuổi ở Đồng Nai không đi bệnh viện khám mà nghe lời người quen đắp lá sim. Hậu quả bị nhiễm trùng, hoại tử phải cắt cụt chân.
Cắt cụt chân vì đắp lá sim
Ngày 14/4, bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết các bác sĩ tại đây vừa xử lý trường hợp bệnh nhân bị hoại tử chân do đắp lá sim, phải cắt bỏ. Đó là một bệnh nhân nữ, tên N.T.L. (64 tuổi, ngụ xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Trước đó, vào ngày 11/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bàn chân phải bị nhiễm trùng nặng, bốc mùi hôi, thiếu máu nặng. Các bác sĩ đã tiến hành truyền máu, chích kháng sinh, sau đó tiến hành cưa chân để bảo vệ mạng sống cho bệnh nhân.
Bà N.T.L sau khi bị cắt cụt chân phải và bàn chân bị hoại tử (ảnh nhỏ) khi nhập viện. |
Mới đầu, các bác sĩ dự tính chỉ cắt cụt bàn chân. Nhưng sau đó phát hiện vết nhiễm trùng đã len lỏi bên trong, ăn đến vùng cẳng chân, do đó buộc phải cắt cụt cả chân phải, qua phần đầu gối.
Theo người nhà bệnh nhân, cách đây hơn một tháng, bàn chân phải của bà N.T.L. bị sưng đỏ, kèm theo nóng, đau. Nghe lời người quen mách, bà N.T.L. tìm lá sim về đắp. Sau đó bàn chân phải của bà bắt đầu lở loét, mưng mủ. Ngày 11/4, người nhà phát hiện thấy tình hình nghiêm trọng nên lập tức đưa bà L. đến bệnh viện.
Hiện tại, tình hình bệnh nhân đã ổn. Tuy nhiên do vi khuẩn từ bàn chân hoại tử đã đi vào đường máu gây nhiễm trùng huyết nên bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh liều mạnh để tránh nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tường Quang, trưởng khoa ngoại - chấn thương chỉnh hình, bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, hiện sức khỏe bệnh nhân tương đối ổn. Sau khi điều trị hết nhiễm trùng, bệnh nhân có thể xuất viện, tập vật lý trị liệu vùng đùi và lắp chân giả để đi lại.
Cũng theo bác sĩ Quang, từ trước đến nay, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp tự ý đắp lá, đắp thuốc nam lên vết thương gây nhiễm trùng và diễn tiến bệnh nặng. Tuy nhiên, đây là trường hợp nặng nhất và khá đáng tiếc.
Nhiều trường hợp nguy kịch, bác sĩ cảnh báo
Gần một năm trước, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh nguy kịch, biến chứng vì đắp lá lên vết thương. Điển hình là trường hợp nữ nệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử 2 mu bàn chân, lan rộng tới cẳng đùi, gây hoại thư sinh hơi nặng, nguy cơ tử vong cao, đã được cho xuất viện theo nguyện vọng của gia đình.
Theo đó, bệnh nhân N.T.H. (SN 1965, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, với hai bàn chân sưng tấy, thâm đen. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử 2 mu bàn chân, ở chân phải đã lan rộng tới cẳng đùi, gây hoại thư sinh hơi nặng, nguy cơ tử vong cao.
Theo người nhà, bà H. có tiền sử bệnh tiểu đường. Khi thấy hai chân bị vết thương, sưng tấy đã không đi điều trị mà tự đắp thuốc lá lên, thế nhưng bệnh càng trở nặng nên người thân đưa đến bệnh viện.
Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu cắt lọc đoạn chi bên phải. Sau mổ, bệnh nhân diễn biến nặng, hôn mê sâu, phải thở máy để duy trì sự sống.
Cùng thời điểm đó, bệnh viện này cũng điều trị một ca nhiễm trùng khác từ việc đắp thuốc lá lên vết thương. Sau vụ tai nạn giao thông, vùng đầu gối và tay phải của bà T.T.T.Đ. (48 tuổi, TP.Nha Trang) sưng tấy. Bà này cũng không đến bệnh viện thăm khám mà dùng thuốc lá đắp.
Hậu quả, vết sưng tấy càng trở nên nghiêm trọng, đau tức, nổi mụn nước to, bệnh nhân đi lại rất khó khăn, phải chống nạng. Đến ngày thứ 7, không chịu được nữa, bà nhập viện, phải mổ để cắt lọc, tháo dịch mủ tại vết thương ở gối trái.
Thời gian trước, khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng từng cấp cứu một bệnh nhân nam 47 tuổi, ở thị xã Đông Triều, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu không tiếp xúc, phải thở máy. Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết vì tự ý đắp lá chữa vết mụn nhỏ.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, trước đó, ông này có mụn nhọt ở mông nhưng không đi khám. Đến khi vùng mông trái đau nhức, bệnh nhân tự ý mua một loại cao ở ngoài về dán và đắp. Sau khi đắp cao, mụn nhọt không những không khỏi mà còn mưng mủ và vỡ ra.
Nghe lời người hàng xóm mách bảo, bệnh nhân đi mua 2 liều thuốc nam về đắp tiếp. Sau khi đắp thuốc nam một ngày, bệnh nhân mệt mỏi, không ăn được, sau đó có biểu hiện mê sảng, co giật, sốt cao. Gia đình vội vàng đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật, sốt cao trên 400 C, vùng mông có vết loét rộng đường kính 10cm, sâu 4cm, chảy dịch mủ. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết có vết loét rộng vùng mông trên nền bệnh xơ gan, rất nguy kịch.
M.Ngọc (T/h)
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (16)