+Aa-
    Zalo

    Nghề đạo diễn hình ảnh: Những góc khuất không phải ai cũng biết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không ít khán giả từng xuýt xoa, trầm trồ trước những khuôn hình đẹp như mơ khi xem phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con, Đời cho ta bao lần đôi mươi, Nắng.

    Không ít khán giả từng xuýt xoa, trầm trồ trước những khuôn hình đẹp như mơ khi xem phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con, Đời cho ta bao lần đôi mươi, Nắng... Nhưng, ít ai biết người góp phần không nhỏ “vẽ” nên những thước phim mãn nhãn, lung linh đó chính là các D.O.P (đạo diễn hình ảnh). Dẫu vậy, làm D.O.P không hề dễ! Bởi, công việc khó khăn và áp lực vô cùng, nhưng một khi đã dính vào nghề thì khó mà dứt ra được.

    D.O.P là “đôi mắt” của đạo diễn

    Những năm trở lại đây, khái niệm D.O.P (viết tắt của Director Of Photography - đạo diễn hình ảnh) xuất hiện khá nhiều trong các dự án điện ảnh và truyền hình Việt. “Cầm trịch” về mặt hình ảnh, D.O.P chỉ đạo quay phim thực hiện mọi động tác để tạo nên được những khuôn hình đẹp và chất lượng cao nhất, đảm bảo thành công cả về mặt kỹ thuật và nghệ thuật. D.O.P còn được ví là “đôi mắt” của đạo diễn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được áp lực công việc mà các D.O.P nếm trải để mang đến những thước phim hoàn hảo.

    Trong làng D.O.P của phim Việt, không ai không biết tới cái tên Lê Hữu Hoàng Nam. Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt nhất trong đoàn phim, đến nay Hoàng Nam đã trở thành D.O.P đình đám. Anh từng là D.O.P của nhiều phim điện ảnh như: Lô tô, Sài Gòn anh yêu em, Vòng eo 56,...

    Nói về công việc đặc biệt này, D.O.P Hoàng Nam chia sẻ: “D.O.P khi nhận một dự án, đầu tiên phải nghiên cứu kịch bản và phải hiểu tinh thần mà kịch bản muốn gửi gắm đến khán giả. Sau đó, D.O.P làm việc với đạo diễn, để hiểu được những điều đạo diễn muốn thể hiện với kịch bản. D.O.P có thể tranh luận, góp ý với đạo diễn để cả hai có tiếng nói chung và tạo ra những hình ảnh đẹp nhất mà không lệch với kịch bản.

    Đến giai đoạn quan trọng nhất là ghi hình, D.O.P sẽ chủ động tìm ra những bối cảnh theo ý đồ kịch bản, lên kế hoạch tính toán đặt góc máy, vị trí đặt đèn... sao cho phù hợp với câu chuyện. Có thể nói, D.O.P chính là người đưa tới hình ảnh để phục vụ cho ý đồ của đạo diễn”.

    Theo D.O.P Quyết Trần: “Để có những thước phim đẹp trên màn ảnh, D.O.P phải cảm câu chuyện và biết cách kể chuyện. Mỗi D.O.P sẽ có cách hứng ánh sáng, cách đặt khung hình riêng... Nhất là khi gặp đạo diễn có chung nhịp thở nghệ thuật, thì mọi thứ sẽ trở nên đơn giản. Chỉ cần nói thôi, D.O.P và đạo diễn sẽ có chung hướng nhìn hợp lý về việc đặt góc máy, lấy ánh sáng cho từng câu chuyện”.

    Luôn đối mặt với tai nạn khó lường

    Khi đã vào “guồng” quay, D.O.P và quay phim phải căng đầu, căng mắt tập trung để hoàn thành các cảnh quay hiệu quả nhất. Bởi, chỉ cần một giây mất tập trung thôi, thì ánh sáng và diễn xuất của diễn viên đã khác rồi. Điều này đòi hỏi D.O.P phải có sức chịu đựng áp lực rất cao.

    Nhưng, ai đã đam mê với công việc này thì mọi áp lực chỉ là thử thách, khi vượt qua được cảm giác sẽ rất tuyệt vời. Thuở mới vào nghề, Quyết Trần bỡ ngỡ nhiều lắm, anh chưa có kinh nghiệm nên rụt rè, chẳng dám tiếp xúc với ai trong đoàn. Nhưng, sương gió dặm trường, va chạm nhiều với nghề đã giúp anh trưởng thành hơn.

    Dẫu có trong tay nhiều kinh nghiệm, nhưng khi đảm nhận vị trí D.O.P, áp lực với Quyết Trần càng lớn: “Áp lực lớn nhất là vấn đề thời gian. Phía nhà sản xuất, đạo diễn luôn đòi hỏi những hình ảnh, góc máy đẹp, nhưng để hiện thực hóa những điều đó đòi hỏi phải có thời gian, nên người D.O.P phải rất nhanh nhạy nắm bắt mọi vấn đề. Bên cạnh đó, do diễn viên chạy show khá nhiều, nên đòi hỏi D.O.P phải cân nhắc thời gian để tạo ra hiệu quả cú máy, ánh sáng hiệu quả nhất. Hơn nữa, D.O.P phải biết rất nhiều thứ như: Màu sắc, hội họa để có thể bày biện bối cảnh, am hiểu kỹ thuật, công nghệ mới.

    Thế nên, muốn trở thành D.O.P chuyên nghiệp đòi hỏi phải trau dồi tính thẩm mỹ, nghệ thuật và phải cập nhật liên tục những cái mới”. Chưa kể, D.O.P còn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm và không thể lường trước được những tai nạn ngoài ý muốn khi quay ở hiện trường.

    “Trong một lần quay, tôi và đạo diễn có sắp đặt cảnh tự tử của diễn viên. Theo đó, người diễn viên phải thả người từ tầng 4 để diễn cảnh tự tử. Tôi và đạo diễn muốn có một cú máy theo sát diễn viên từ lúc thả mình đến lúc té xuống đất. Khá tự tin với cú máy này, tôi đã ôm máy nhảy xuống, nhưng không may dây bảo hiểm đứt khiến tôi té xuống và bị vỡ hai mắt cá chân trái. Sự cố đó khiến tôi phải nằm ở nhà mấy tháng trời làm công việc bị gián đoạn”, D.O.P Quyết Trần kể.

    D.O.P Hoàng Nam cũng cho rằng, sự cố với đoàn làm phim luôn luôn xảy ra: “Đây là một nghề nghiệp đặc thù, để có một cảnh quay thành công phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: Thời tiết, bối cảnh, con người, thiết bị, tài chính,... Chỉ cần một trong những yếu tố này trục trặc, thì cả đoàn phim cũng không thể vận hành được. Còn điều kiện làm việc ảnh hưởng đến sức khoẻ thì gần như là “món ăn” quen thuộc của anh em làm phim. Ai đã từng làm nghề này sẽ hiểu, nhưng lòng yêu nghề sẽ là hành trang để vượt qua tất cả. Có điều đáng buồn đã xảy ra với giới D.O.P trong năm 2016, một “đàn anh” kỳ cựu trong nghề đã phải bỏ mạng khi thực hiện một cảnh quay. Một nỗi buồn lớn đối với anh em làm nghề”.

    Bỏ lơ vợ con vì công việc

    Thường xuyên phải đi làm xa, nên mọi việc ở nhà D.O.P Quyết Trần đều phải phó thác cho vợ. Thậm chí, lúc con ốm đau, anh cũng chỉ kịp điện thoại về động viên tinh thần. Thương con rơi nước mắt, anh vẫn phải kìm nén vì đặc thù công việc, không thể buông ra được. Bởi, nếu mình bỏ dở, thì tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng.

    “Một dạo, cứ 4-5h sáng về nhà tranh thủ chợp mắt, 7h con đi học cũng chỉ kịp ôm chào bố. Tới lúc mình ngủ dậy đã 3-4h chiều rồi, lại phải lên đường đi làm. Có những hôm cuối tuần con được nghỉ học, nhưng bố lại quá mệt vì thiếu ngủ nên tranh thủ chợp mắt cho đầu óc tỉnh táo. Biết vậy, bà xã lại kêu con qua phòng khác chơi cho bố ngủ. Có thể nói, một khi đã dính vào công việc này, thì việc chăm sóc gia đình, vợ con đều bị bỏ lơ hết. Đành phải chờ tới lúc xong việc, cố gắng bù đắp được bao nhiêu thì bù đắp”, D.O.P Quyết Trần ngậm ngùi.

    Chung cảnh ngộ, D.O.P Hoàng Nam tâm sự: “Vì thời gian làm việc không cố định, kéo dài, thậm chí có những ngày làm việc từ 18-24 tiếng liên tục là chuyện bình thường. Thế nên, chuyện đi làm khi cả nhà vẫn còn ngủ và trở về khi mọi người đã bắt đầu đi ngủ gần như thường xuyên.

    Bởi vậy, để giữ được “ngọn lửa” gia đình, rất cần sự thông cảm và thấu hiểu, đâu đó là cả sự hy sinh của hậu phương”. Cũng có lúc quá mệt mỏi, áp lực, đã thoáng nghĩ đến chuyện buông bỏ, nhưng ai đã dính vào nghề rồi thì cảm giác yêu lắm, không dứt được.
    “Đôi khi chỉ mong được nghỉ 3-4 ngày cũng sướng lắm rồi, nhưng đến ngày thứ ba là cảm giác thiếu một thứ gì đó kinh khủng lắm. Rồi chợt nhận ra, mình thèm bữa cơm cùng đoàn phim, thèm cảm giác ôm máy quay làm chung với anh em”, Quyết Trần nói.

    Hà Linh

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 43

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-dao-dien-hinh-anh-nhung-goc-khuat-khong-phai-ai-cung-biet-a207928.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan