(ĐSPL) - Chiều 25/6, tại đền thờ Quán Thánh, xã Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An), UBND xã đã tổ chức lễ Kỳ Khoa, cầu quốc thái dân an, cho các em học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi.
Theo đó, tới dự buổi lễ có Đại tá Nguyễn Cảnh Bảy, Phó Giám Đốc M2, Ban Cơ yếu Chính phủ; lãnh đạo xã Thanh An và đông đảo bà con nhân dân địa phương.
Đông đảo người dân địa phương tới dự lễ |
Lễ Kỳ Khoa là lễ thường niên của người dân xã Thanh An, diễn ra vào ngày 15/5 Âm lịch hàng năm, với mục đích cầu cho quốc thái dân an, cho các em học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi, được may mắn đỗ đạt. Lễ Kỳ Khoa gồm hai phần là phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ cúng được thực hiện trong Quán Thánh, còn phần giao lưu văn nghệ và tổ chức tiệc ở bên ngoài.
Mở đầu buổi lễ, ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An đã ôn lại lịch sử hình thành cũng như nguồn gốc của lễ Kỳ Khoa cho bà con trong xã cùng con cháu ở xa được biết và ghi nhớ.
Ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An ôn lại lịch sử hình thành cũng như nguồn gốc của lễ Kỳ Khoa |
Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Cảnh Bảy đã trao đổi về việc tôn tạo, gìn giữ và phát triển ngày lễ Kỳ Khoa thường niên cũng như di tích lịch sử Quán Thánh tại xã Thanh An.
Cổng trước đền Quán Thánh |
Được biết, đền Quán Thánh do nhân dân và những người đỗ đạt cao xây dựng và hoàn thành vào tháng 12 năm Canh Ngọ đời Vua Tự Đức thứ 23 năm 1870, đến nay đã được 145 năm. Với kiểu kiến trúc độc đáo gồm hai lớp tám mái, đền được xây dựng trên khuôn viên đẹp nhất làng với tổng diện tích khoảng 2500m2. Phía trước đền nhìn thẳng ra cánh đồng, nơi có những cồn đất hình tháp bút, hình tròn mặt trống, biểu hiện cho sự hình thành và đỗ đạt trống chiêng đón rước.
Không gian thờ cúng của đền Quán Thánh |
Được biết, Quán Thánh vừa là nơi gắn với sự phát triển giáo dục của xã Thanh An, vừa là nơi mở trường học đầu tiên vào năm 1941. Đây là một di tích độc đáo về kiến trúc và về mặt tâm linh, nơi linh thiêng để thờ Khổng Tử và các vị đỗ đạt, có công với quê hương.
Đối với người dân xã Thanh An, đền Quán Thánh xứng đáng là biểu tượng của truyền thống hiếu học, đạo học, là trung tâm di tích lịch sử, văn hóa của xã. Trước những giá trị về mặt kiến trúc và tâm linh, Quán Thánh cần phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và xây dựng vững bền nơi sinh hoạt văn hóa này.