+Aa-
    Zalo

    Nghệ An: Tiểu thương mất chợ, đất dự án lại bỏ hoang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau 2 năm phá bỏ chợ Sò, huyện Diễn Châu (Nghệ An), bà con, tiểu thương thì mất chợ, trong khi đó, dự án vẫn án binh bất động, trở thành bãi đất hoang.

    (ĐSPL) - Với việc phá bỏ chợ Sò, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tại sân vận động, bà con, tiểu thương không di dời xuống chợ xã Diễn Thành mà vẫn tiếp tục buôn bán chợ tạm ngay giữa lòng đường đi lại gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường... Thế nhưng, sau 2 năm, mảnh đất ấy vẫn trống không, cỏ dại mọc um tùm, rất lãng phí.

    Mất chợ Sò, tiểu thương ra đường họp chợ

    Được thành lập từ hàng trăm năm trước, chợ Sò gắn liền với lịch sử Phủ Diễn Châu, là nơi buôn bán của người dân thị trấn Diễn Châu (Nghệ An) và các vùng lân cận. Năm 1996 chợ di chuyển về Ngã ba Diễn Châu, có tên gọi khác là chợ Phủ Diễn.

    Năm 2009, UBND thị trấn Diễn Châu đã có tờ trình về việc phục hồi xây dựng chợ Sò truyền thống thị trấn. Tuy nhiên việc này đã không được phê chuẩn, bất ngờ người dân nghe được thông tin khu đất đó sẽ được giao lại cho một công ty để xây dựng Tổ hợp khách sạn, chung cư và trung tâm thương mại. Trước tình hình đó, hàng trăm hộ dân và tiểu thương đã vô cùng bất bình, đồng thời phản ứng lên chính quyền.

    Để xoa dịu, UBND huyện Diễn Châu đã cam kết với các tiểu thương, sau 18 tháng, khi trung tâm thương mại hoàn thành, sẽ dành 2.200m2 trên tổng diện tích 16.200m2 của khu đất đó làm dịch vụ buôn bán (chợ Xanh).

    Theo đó, trước mắt, để ổn định cuộc sống cho hơn 1.000 tiểu thương cũng như có chỗ cho người dân buôn bán, chợ Sò được chuyển về khu vực giữa khối 4, khối 5 và khối 6 thuộc khu đất cũ của sân vận động huyện Diễn Châu.

    Thế nhưng khi Trung tâm Thương mại, khách sạn xây dựng xong, đất bị lấn chiếm chỉ còn 500m2, sai với quy hoạch đã phê duyệt, diện tích không đủ làm chợ. Do đó chợ phải họp tạm ở Sân vận động huyện Diễn Châu.

    Cũng từ đó, người dân nơi đây tiếp tục kiến nghị xin được lập chợ Sò để gìn giữ nét truyền thống từ bao đời. Tức là được xây dựng chợ thị trấn tại đất sân bóng cũ, hiện đang bỏ hoang bởi quỹ đất thị trấn đã không còn đủ rộng để lập chợ.

    Thế nhưng một lần nữa, người dân lại ngã ngửa khi nghe thông tin, UBND huyện Diễn Châuđã quyết định xây dựng một công viên trung tâm cây xanh tại vị trí đất sân bóng chợ tạm đang hoạt động. Mặc dù đã có đơn kiến nghị của người dân nhưng ngày 28/3/2013, UBND huyện Diễn Châu vẫn gửi công văn số 728/UBND.CT về việc giao cho UBND thị trấn Diễn Châu làm chủ đầu tư Dự án xây dựng khu vui chơi, cây xanh,công viên trên nền đất chợ tạm.

    Thắc mắc về việc sinh tồn của chợ Sò thị Trấn, Huyện ủy đã có ý kiến sẽ chuyển chợ này về chợ xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Việc này cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của chợ Sò và thị trấn Diễn Châu sẽ không còn một khu chợ nào nữa.

    Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND thị trấn và các khối, các tổ chức đoàn thể đã có đơn kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện nhưng đều vô vọng.

    Người dân và tiểu thương đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh lên các cơ quan chức năng nhưng đều vô vọng

    Ông Thái Bá Thịnh (SN 1951), khối 5, Thị trấn Diễn Châu bức xúc: “Việc một thị trấn không có chợ là điều không thể nào chấp nhận được. Ngay của chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ điều đó. Nhưng điều quan trọng nhất là việc này ảnh hưởng đến hàng trăm tiểu thương buôn bán ở chợ và hàng nghìn người dân thị Trấn. Mất chợ chúng tôi biết sống như thế nào?”.

    Tiểu thương và bà con nhân dân thị trấn Diễn Châu bức xúc trước nguy cơ mất chợ

    Cùng chung quan điểm, bà Đậu Thị Huệ (SN 1960), một tiểu thương buôn bán ở chợ tạm cho biết: “Chợ Sò với hàng trăm năm tuổi, trở thành nơi truyền thống của người dân, là nơi chúng tôi bươn chải làm ăn để nuôi sống gia đình, để con cái chúng tôi có cái ăn cái mặc đến trường. Ấy thế mà với quyết định của chính quyền, chúng tôi không còn chỗ được buôn bán nữa. Hơn nữa chính quyền xây dựng khi vui chơi, công viên cây xanh là chưa hợp lý, khi kinh tế người dân còn đang vất vả, thế thì lấy gì mà vui chơi giải trí”.

    Vì thế, vào ngày 30/6/2013, trong cuộc họp của Đảng bộ thị trấn, gần 400 đảng viên đã không đồng tình với chủ trương của Thường trực Huyện ủy. Ngày 20/07/2013, họp tiếp xúc cử tri ở cấp Thị, toàn bộ cử tri 6 khối cũng đề nghị các cấp cho phép thị trấn nâng cấp chợ tạm hiện nay thành chợ truyền thống, trả lại tên cho chợ Sò.

    Việc làm này đã khiến người dân bất bình, cách làm của Huyện ủy Diễn Châu đã không được người dân đồng thuận.

    Không có chợ, các tiểu thương đã tràn ra giữa đường họp chợ gây mất trật tự và ô nhiễm môi trường nhưng chính quyền sở tại vẫn chưa có phương án giải quyết vấn đề này.

    Đến tháng 11/2013, chợ xã Diễn Thành hoàn thành và đưa vào sử dụng, lực lượng chức năng huyện Diễn Châu đã tiến hành cưỡng chế và xóa bỏ chợ tạm. Từ đó các tiểu thương đã tràn ra ngay giữa lòng đường để họp chợ. Việc này gây mất trật tự và ô nhiễm môi trường trước sự bất lực của chính quyền địa phương khi chưa có phương án thỏa đáng cho việc đi dời tiểu thương đến vị trí mới để họp chợ.

    Sau 2 năm phá bỏ, chợ thành bãi đất hoang

    Thời gian gần đây, rất đông người dân và tiểu thương đã vô cùng bức xúc trước những quyết định của chính quyền địa phương. Rất nhiều đơn kiến nghị, đơn tố cáo, đơn khiếu nại được người dân ròng rã gửi trong hơn 3 năm qua nhưng đến nay đều bỏ ngỏ.

    Thậm chí mâu thuẫn dâng đến đỉnh điểm khi xảy ra xô xát, xung đột giữa người thị trấn Diễn Châu và người xã Diễn Thành gây thương tích cho hàng chục người nhưng huyện Diễn Châu vẫn không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng và dứt điểm.

    Quyết định của UBND huyện Diễn Châu về việc phá bỏ chợ tạm.

    Cuộc sống của người dân thị trấn Diễn Châu dựa vào chợ này đang vô cùng khó khăn, bà con tiểu thương chạy đôn chạy đáo khắp nơi, họp chợ trên các trục đường giao thông, vỉa hè kiếm kế sinh nhai…

    Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Diễn Châu khẳng định tầm quan trọng của chợ Sò trong việc kinh doanh buôn bán: “Việc đầu tư xây dựng chợ truyền thống là nhu cầu quan trọng và cấp bách của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Diễn Châu trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi đã làm tờ trình với UBND tỉnh và huyện xin được lập lập dự án xây dựng chợ ngay tại sân bóng cũ. Kinh phí sẽ do ngân sách thị trấn và các hộ kinh doanh trong chợ đóng góp”.

    Tuy nhiên, dù Thị trấn Diễn Châu đã có tờ trình số 17 và số 18/TTr-UBND ngày 3/8/2015 về việc lựa chọn địa điểm và lập dự án đầu tư xây dựng chợ tại khu vực sân bóng cũ, khối 5, thị trấn Diễn Châu nhưng ngày 19/8/2015 vừa qua, UBND huyện Diễn Châu đã có Công văn số 879/UBND-CT về việc không chấp nhận đề nghị đó với lý do, sân bóng cũ đã được huyện cho chủ trương xây dựng công viên cây xanh. Hơn nữa, do vị trí sân bóng nằm trên trục giao thông QL1A, liền kề với Trạm y tế và trường học nên khi sinh hoạt chợ sẽ xảy ra nhiều vấn đề.

    Để giải quyết việc đề nghị, UBND huyện Diễn Châu đề nghị lại UBND thị trấn cần nghiên cứu địa điểm dựng chợ phù hợp rồi tiếp tục đề xuất, nhưng không phải sân bóng; đồng thời không cho dân tự họp chợ trên đường gây ô nhiễm môi trường và trật tự an ninh xã hội.

    UBND thị trấn Diễn Châu đã có tờ trình đầu tư, xây dựng chợ trên nền đất sân vận động cũ nhưng đã không đươc chấp thuận.

    “UBND huyện giao cho địa phương rà soát quỹ đất để làm chợ và thúc giục đề xuất ý kiến, thế nhưng đất tại thị trấn Diễn Châu không có chỗ nào đủ rộng để có thể lập được chợ nữa, ngoại trừ khu vực sân bóng cũ, nhưng nơi đó huyện lại không đồng ý. UBND huyện chỉ đạo không cho họp chợ tạm, lấn chiếm lòng đường, nhưng thị trấn chưa có chợ mà giải tán chỗ cũ thì rất nhiều người không đồng ý. Giờ đây chúng tôi cũng không biết phải làm như thế nào mới hợp lý, đành chờ cấp trên chỉ đạo giải quyết”, ông Ánh cho biết thêm.

    Điều đáng nói, sau 2 năm phá bỏ chợ tại sân vân động thì đến nay dự án vẫn chưa được khởi công mà thay vào đó, địa điểm này đã trở thành mảnh đất hoang, cỏ mọc um tùm và gây ra nhiều lãng phí.

    Dự án công viên, khu vui chơi sau 2 năm vẫn là vùng đất hoang, cỏ mọc um tùm.

    Chia sẻ với PV về vấn đề này, ông Chu Thế Huyền, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Quan điểm của huyện là thu hồi để quy hoạch và xây dựng công viên, trung tâm cây xanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, do có việc thắt chặt đầu tư công và chỉ đầu tư vào các công trình trọng điểm nên dự án vẫn chưa được triển khai”.

    Dự kiến đến năm 2018, huyện diễn Châu trở thành Đô thị loại 4 nên trong quy hoạch phải có dự án này, ông Huyền cho biết thêm.

    NGỌC TUẤN

    [mecloud]AQJz1516pS[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-an-tieu-thuong-mat-cho-dat-du-an-lai-bo-hoang-a113205.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.