Cho rằng nguồn nước chảy từ trong núi ra đem về uống có thể chữa được nhiều loại bệnh nên nhiều người dân từ khắp nơi ùn ùn kéo nhau đến cống Kẹp xã Khánh Sơn mua về sử dụng.
“Nước thánh” trời ban?
Thời điểm này dù không phải là lúc cao điểm của những ngày nắng nóng, nhưng ngay từ tờ mờ sáng đã có hàng trăm người chen chúc nhau tới chân núi Sắc nơi có khe Cống Kẹp thuộc xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn, Nghệ An) xếp hàng chờ đợi để mua nước về dùng.
Không chỉ người dân địa phương mà còn có rất nhiều người thuộc các huyện khác của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đổ về đây để hy vọng mua được thùng nước được cho là quý hiếm này. Người ít thì 5 – 6 can, người nhiều thì thuê cả xe ô tô đến để chở nước về.
Chị Nguyễn Thị Lan (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) khẳng định không có nơi nào có nguồn nước sạch sẽ, dồi dào quanh năm, mà lại được người dân tin dùng như nước ở đây.
Chẳng ai biết nguồn nước này có từ bao giờ cả, từ lúc sinh ra là chị đã phải lên đây lấy nước về uống rồi. Chỉ biết là đã trải qua bao thế hệ nhưng nguồn nước này chưa bao giờ cạn kiệt cả.
Rất đông người dân khắp nơi tìm đến đây để mua nước về sử dụng. |
Nhiều người mê tín đã thần thánh hóa lên và gọi đây là “nước thánh” vì cho rằng uống nước cống Kẹp thì không phải đun sôi, chữa bách bệnh và còn có thể làm trắng da. Lời đồn ngày càng lan rộng ra nên người dân từ khắp nơi đua nhau về đây mua nước này về uống mỗi ngày một đông thêm.
“Thực chất thì đã bao nhiêu năm qua nhưng chúng tôi cũng chưa khi nào thấy uống nước này có thể chữa được bệnh tật gì cả. Người dân xem nguồn nước này là nguồn nước thánh là họ lớn lên từ bao thế hệ nay đã sống cùng nước núi Sắc, xem nó là hình ảnh gần gũi. Hơn nữa, người dân nơi đây đã quen với mùi vị của loại nước này rồi nên chỉ muốn uống nước tại đây mà thôi”, chị Lan cho biết thêm.
Mỗi can 20 lít có giá 5 ngàn đồng. |
Buộc lại mấy chiếc can vào xe máy cho chắc chắn, anh Hoàng Trọng Nghĩa hồ hởi cho biết, hôm nay may mắn đi sớm nên lấy nước nhanh được thế này chứ bình thường anh phải chờ hơn 1 giờ đồng hồ mới lấy được.
Ở tận huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), nhưng anh vẫn đều đặn mỗi ngày tới đây lấy nước về uống. “Nghe người ta nói nước thánh tôi cũng chẳng tin. Chỉ biết nước ở đây hoàn toàn sạch sẽ mà không cần qua xử lý. Hơn nữa nó còn rẻ hơn cả nước tinh khiết nên tôi mới mua về sử dụng”, anh Hoàng nói.
Tranh giành nguồn nước quý
Ông Đặng Văn Việt - Chủ tịch xã Khánh Sơn cho biết nhiều người đồn thổi đây là nước thánh, nước thần rồi là nước gây ung thư, nhiễm độc… cũng chỉ vì tranh giành nhau nguồn nước này nên có thời tình hình an ninh trật tự ở địa bàn trở nên phức tạp.
Sau khi có kết luận “các chỉ số hóa học và vi khuẩn đều đều trong giới hạn cho phép để sử dụng nước ăn, uống” về nguồn nước tại khe Cống Kẹp của Sở Y Tế Nghệ An, UBND xã Khánh Sơn đã phải tổ chức đấu thầu để có người quản lý nguồn nước, đảm bảo trật tự cho địa phương.
Để có thể được lấy nguồn nước hiếm này bán cho người dân, ông Nguyễn Trọng Lịch phải đóng cho chính quyền 120 triệu đồng mỗi năm. Trung bình mỗi ngày gia đình ông có thể bán được hơn 1.200 can với giá bán mỗi can 20 lít bán cho người địa phương Khánh Sơn là 1000 đồng, người ngoài địa phương 5000 đồng.
Anh Đức khẳng định chỉ có nguồn nước của gia đình anh đã được kiểm định. |
Hiện tại gia đình anh là người duy nhất trúng thầu độc quyền được bán nước tại chân núi Sắc, tuy nhiên vẫn có nhiều người xung quanh đã tự đào hầm chứa nước, dẫn nước từ nơi khác về bán cho người dân.Theo anh Anh Nguyễn Trọng Đức (con trai của ông Lịch) thì trước đây khi chưa có người đấu thầu, giữ nước, tại địa phương đã xảy ra nhiều việc như đánh nhau, mâu thuẫn để tranh giành nguồn nước tự nhiên của núi Sắc.
“Những nguồn nước không có xuất cứ rõ ràng, lại chưa được kiểm định mà họ bán cho người dân như vậy nếu có chuyện không hay tôi sợ sẽ làm ảnh hưởng tới nước ở khe Cống Kẹp này”, anh Đức bức xúc nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Việt cho hay, sau khi biết tin nhiều hộ dân tự phát dẫn nguồn nước từ nơi khác xung quanh núi Sắc về để bán cho dân, chính quyền xã đã phản ánh lên Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chức năng về kiểm định các nguồn nước này.
Theo Gia đình & Xã hội
Xem thêm video:
[mecloud]NpWHmj87ed[/mecloud]