(ĐSPL) - Hàng chục ha đất rừng phòng hộ ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang bị xâm lấn nghiêm trọng. Sự việc xảy ra từ lâu nhưng chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết.
Đất rừng phòng hộ bị xâm lấn nghiêm trọng
Thời gian gần đây, trên địa bàn các xã ven biển huyện Quỳnh Lưu đang xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ để nuôi trồng thủy sản. Sự việc xảy ra, người dân nơi đây đã kiến nghị, phản ánh lên các cơ quan chức năng nhưng rồi đâu lại vào đó.
Có mặt tại khu vực rừng ngập mặn ven sông Mơ, nằm trên địa bàn 2 xã Quỳnh Lương và Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, PV chúng tôi chứng kiến cảnh tượng nhiều hộ dân đã ngang nhiên thuê máy móc, nhân công vào cày nát cả một vùng đất rừng ngập mặn này. Sau khi san lấp, các hộ dân nơi đây đã cải tạo, đắp đất, be bờ để tiến hành nuôi trồng tôm thẻ chân trắng.
Nhiều diện tích rừng ngập mặn ở xã Quỳnh Lương đã bị tàn phá để nuôi tôm. |
Thực tế, việc xâm lấn và chặt phá rừng ngập mặn diễn ra đã từ nhiều năm trước nhưng mức độ không lớn. Nhưng trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, khi mà phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ngày một lan rộng thì diện tích rừng ngập mặn ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng.
Theo quan sát dọc sông Mơ, có khoảng 4-5 ha diện tích rừng trồng đã bị máy móc tàn phá nặng nề và không còn khả năng phục hồi.
Diện tích rừng phòng hộ bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như dòng chảy nguồn nước. |
Việc chặt phá liên hồi này trong suốt thời gian dài đã tác động rất lớn đến dòng chảy của nguồn nước, đồng thời gây nên sự mất ổn định trong môi trường sống của thảm thực vật xung quanh cũng như diện tích rừng còn sót lại.
Ông Lê Mạnh H. (SN 1952), trú tại xóm 6, xã Quỳnh Lương cho biết: “Dọc sông Mơ có khoảng gần 20ha đất rừng phòng hộ, bao đời nay được trồng các loại cây sú, vẹt. Diện tích rừng trên không những bảo vệ đê biển, hạn chế xói lở và các tác hại của bão lũ, thiên tai mà nó được xem như là lá phổi xanh cho địa phương chúng tôi. Tuy nhiên, giờ đây nó đang bị hủy hoại và tàn phá không thương tiếc”.
Những năm trước, nhờ nhận được sự tài trợ của các dự án phi Chính phủ Nhật Bản và Đan Mạch, diện tích rừng ngập mặn ven sông, biển của Quỳnh Lưu không ngừng tăng lên và phát triển tốt. Lúc cao điểm, toàn huyện có trên 500ha rừng ngập mặn và rừng phi lao ven biển. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích rừng ngập mặn đang có xu hướng giảm mạnh, đến nay chỉ còn trên dưới 300ha.
Cách dòng sông Mơ khoảng 5km, chúng tôi về đến xã Quỳnh Lương, nơi đây mặc dù không nằm trong quy hoạch để nuôi trồng thủy sản nhưng một số hộ dân vẫn ngang nhiên lấn chiếm đất rừng phòng hộ để cải tạo hồ nuôi tôm. Thậm chí, có hộ đã tiến hành xây dựng cả những ngôi nhà kiên cố trên diện tích đất phòng hộ.
Nhiều ngôi nhà kiên cố tại các xã ven biển Quỳnh Lưu được xây dựng trên đất phòng hộ. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: “Các hộ dân ở xã Quỳnh Thanh tự ý xâm lấn đất rừng phòng hộ ven sông Mơ và đất hoang ven biển để tiến hành nuôi tôm theo hình thức quản canh là có thật, nhiều hộ đã nuôi trồng từ 5 – 7 năm rồi. Hiện, trên địa bàn có khoảng hơn 10 hộ nuôi trồng thủy hải sản, tôm thẻ chân trắng với diện tích xâm lấn đất rừng phòng hộ khoảng 5 – 7 ha”.
Theo ông Hồ Đình Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Bảng: “Trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng này nhưng chủ yếu khá lâu rồi. Một số hộ dân vì thấy đất hoang hóa nên đã tự ý xâm lấn để mở rộng hồ nuôi tôm. Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã xử lý và yêu cầu các hộ vi phạm ký cam kết. Song những diện tích bị xâm lấn hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều đến môi trường cũng như dòng chảy”.
Chính quyền loay hoay tìm phương án giải quyết
Thực tế không riêng gì các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh mà hàng loạt các xã lân cận như Quỳnh Thuận, Sơn Hải, Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Lưu)... cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Tình trạng xâm lấn và tàn phá rừng ngập mặn để nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu không phải bây giờ mới diễn ra mà đã là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận suốt nhiều năm qua.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con xã Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh đã nhiều lần bày tỏ quan điểm bức xúc và yêu cầu các hộ vi phạm phải nhanh chóng chấm dứt hành vi phá hoại nói trên.
Sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần cử lực lượng công an xuống ngăn chặn nhưng vì họ là dân ở nơi khác đến, thành phần chủ yếu lại là người công giáo nên rất khó quản lý. Đã nhiều lần, UBND xã kêu gọi họ để làm các thủ tục đăng ký và yêu cầu ký biên bản cam kết không xâm lấn đất rừng phòng hộ nhưng họ vẫn chưa hợp tác”, ông Nguyễn Văn Tuệ cho biết thêm.
Những năm gần đây diện tích đất rừng phòng hộ tại huyện Quỳnh Lưu đã giảm xuống đáng kể. |
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi trao đổi với các cơ quan chuyên môn. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Sự việc người dân xâm lấn đất rừng phòng hộ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng đã biết. Hiện, nhiều hộ tại Quỳnh Lương và một số hộ khác tại các xã ven biển cũng xảy ra tình trạng này. Thực tế, lực lượng chức năng cũng đã xử lý một trường hợp 25 triệu tại xã Quỳnh Lương”.
"Tuy nhiên, việc xâm lấn đất rừng phòng hộ, họ đã làm từ lâu trong khi chính quyền địa phương chưa có phương án và báo cáo kịp thời với cấp trên và cơ quan chuyên môn nên hiện nay để xử lý sự việc là rất khó khăn", ông Dinh phân trần.
Về vấn đề trên, ông Dương Minh Ngọc, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu cho biết: “Những năm gần đây do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên diện tích rừng phòng hộ đang giảm xuống, đặc biệt là các xã ven biển. Hiện, chúng tôi đang rà soát diện tích đất và rừng phòng hộ tại các xã nói trên để có biện pháp ngăn chặn và xử lý”.
NGỌC TUẤN
[mecloud]EZUJs4Hpqr[/mecloud]