+Aa-
    Zalo

    Ngày về còn xa của kẻ hại người vì tiếng nẹt pô

    • DSPL

    (ĐS&PL) - TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Xuân Dũng về tội Giết người và Cố ý gây thương tích.

    Ngồi sau hàng ghế dành cho những người tham dự phiên tòa, cô gái nói trong tiếng nấc: "Anh gắng cải tạo tốt để sớm về với gia đình, rồi mình làm đám cưới. Điều em lo sợ nhất là ngày anh về, ba mẹ không còn nữa". Nghe đến đây, bị cáo Dũng cúi gằm mặt xuống và òa khóc trong sự hối hận muộn màng.

    Trong lúc ngà ngà men say, Dũng đã hành xử một cách côn đồ khiến nạn nhân tử vong. Ảnh minh họa

    Án mạng sau tiếng nẹt pô

    Mới đây, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Xuân Dũng (SN 1997, trú tại tổ 4, ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về tội Giết người và Cố ý gây thương tích.

    Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 7 anh chị em, Dũng là con trai đầu. Sau khi trưởng thành, Dũng thay cha mẹ trong việc chăm lo cho các em. Với ý chí của một người anh cả, Dũng được không ít bà con lối xóm khen ngợi vì có tính cần cù, chịu khó vừa đi học lái xe vừa đi làm thêm các công việc lặt vặt để kiếm tiền.

    Những tưởng cuộc sống sẽ mãi êm đềm như vậy. Thế rồi tai ương bỗng ập xuống sau lần Dũng cùng nhóm bạn ăn nhậu và xảy ra án mạng chỉ vì tiếng nẹt pô. Điều khiến cha mẹ Dũng đau lòng nhất con mình chính là hung thủ.

    Vụ án xảy ra vào 23h ngày 27/11/2018, sau khi "chén chú chén anh" xong với nhóm bạn, Dũng được Nguyễn Quang Vinh (SN 1999, trú tại ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) chở về nhà trên chiếc xe mô tô hiệu Suzuki Raider. Trên đường về, khi đi ngang nhà ông Trương Văn Lực (SN 1970, trú tại khu phố Xóm Rẫy, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc), Vinh rồ ga lớn, nẹt pô làm ông Lực và ông T.D. (SN 1963, trú cùng huyện Xuyên Mộc) đang nằm ngủ trước hiên nhà bị thức giấc nên đứng dậy chửi mắng.

    Do đã ngà ngà say, Dũng bức xúc liền đi vào nhà của ông Lực nói chuyện, hỏi tại sao lại chửi mình. Lúc này, ông T.D. tiếp tục chửi thì bị Dũng dùng con dao mang theo trong người tấn công ông T.D. và ông Lực đang ngồi ở trong giường. Mặc dù được người dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng ông T.D. đã tử vong ngay sau đó. Còn ông Lực được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

    Theo kết luận giám định pháp y ngày 11/1/2019 của trung tâm Pháp y sở Y tế tỉnh Bà RịaVũng Tàu, ông Lực bị tổn hại 17% sức khỏe. Riêng Dũng, sau khi đâm 2 người thương vong đã lẩn trốn sang nhà của Vinh. Đến khoảng 00h15 ngày 28/11/2018, Dũng bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiến hành vây bắt khẩn cấp. Tại cơ quan điều tra, Dũng đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

    Giọt nước mắt ân hận muộn màng

    Ngày phiên tòa xét xử bị cáo Lê Xuân Dũng diễn ra, đông đảo người dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã vượt hơn 30km để lên trụ sở TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo dõi.

    Đứng sau bục khai báo, trong chiếc áo sơ mi kẻ, bị cáo Dũng tỏ ra bình thản và trả lời đầy đủ các câu hỏi của hội đồng xét xử. Vị thẩm phán chủ tọa hỏi: "Bị cáo có biết vì sao hôm nay ngồi trước mặt bị cáo là hội đồng gồm có 5 người và được chỉ định luật sư bào chữa không?".

    Dũng trả lời nhỏ nhẹ: "Dạ không". Lúc này chủ tọa phiên tòa lớn tiếng: "Yêu cầu bị cáo nói to rõ ràng lên, lúc bị người khác nhắc nhở nẹt pô sao bị cáo hậm hực ghê gớm lắm mà". Vị chủ tọa nói tiếp: "Sở dĩ chúng tôi gồm có 5 người (3 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân) và bị cáo được chỉ luật sư bào chữa là do bị cáo bị truy tố, xét xử về tội Giết người với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Luật sư sẽ là người bào chữa và nêu các căn cứ giảm tội cho bị cáo". Nghe vậy, Dũng cúi gằm mặt và im lặng.

    Tòa hỏi: "Tại sao lúc bị ông Lực và ông T.D. nhắc nhở nẹt pô gây tiếng ồn, bị cáo không tôn trọng lời người lớn nói mà lại có hành động rút dao tấn công như vậy?". Dũng khai, do lúc đó bị cáo đã uống rượu nên không kiểm soát được hành vi của mình. Hơn nữa không phải bị cáo nẹt pô mà do lúc đó xe của Vinh bị hư máy nên bị cáo và Vinh đứng lại sửa xe...

    "Bị cáo đừng bao biện cho hành vi phạm tội của mình. Nếu ai cũng uống rượu rồi đâm chết người như bị cáo thì xã hội sẽ như thế nào. Hành động của bị cáo là coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng của người khác thể hiện hành vi quá côn đồ", vị thẩm phán nói. "Nếu như lúc đó xe bị cáo hỏng, tại sao lại không giải thích cho ông T.D. hiểu mà lại có hành động chạy vào nhà người ta, đè người ta ra đâm như vậy? Bị cáo có biết như vậy là sai trái, lưu manh không?", một vị hội thẩm nhân dân phân tích.

    Đến đây, Dũng rưng rưng nước mắt, quay mặt về phía gia đình bị hại nói: "Dạ, bị cáo biết hành vi của mình là sai trái, bị cáo thực sự rất hối hận vì không hiểu tại sao lúc đó mình lại có hành động dại dột như vậy. Thực sự bị cáo rất ân hận, bị cáo xin lỗi gia đình bác T.D. rất nhiều. Mong gia đình tha lỗi cho bị cáo".

    Xuyên suốt phiên tòa hôm đó, HĐXX đã phân tích chỉ rõ hành vi giết 1 người chết, 1 người bị thương của Dũng thể hiện bản chất quá côn đồ, gây mất an ninh trật tự làng xóm và hơn nữa là xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên cần có bản án nghiêm khắc để giáo dục và phòng ngừa chung.

    "Đừng vì một chút nông nổi mà hành xử côn đồ, kiểu "thích thì đâm" như vậy. Hành động này trước hết là làm khổ cha mẹ mình, sau nữa là tước đi mạng sống của những người quanh mình chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt. Họ cũng như mình, ai cũng muốn sống cả", một thẩm phán nhắn nhủ bị cáo, cũng như những thanh niên trẻ tuổi đang ngồi trong phiên tòa.

    Trong vụ án này, có một điều nhân văn mà ai cũng thấy rõ đó là không những gia đình bị hại có đơn bãi nại cho bị cáo, mà hôm diễn ra phiên tòa cha của nạn nhân cũng đã có mặt để xin hội đồng giảm nhẹ án cho Dũng. Điều này càng khiến Dũng thấy ân hận nhiều hơn về hành động sai trái của mình.

    Đến tòa với vai trò đại diện cho người bị hại, cụ K. (cha của nạn nhân) ngậm ngùi nói: "Sự việc dù gì cũng đã rồi, con tôi cũng đã vĩnh viễn ra đi không về. Giận thì giận đó, nhưng biết làm sao bây giờ". Cụ K. lau nước mắt nói tiếp: "Thực tình thì tôi không ngờ cháu Dũng lại có cách hành xử như vậy. Nhưng vì cháu còn trẻ người non dạ, suy nghĩ chưa tới, nên tôi xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho cháu để cháu có cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời".

    Nghe đến đây, Dũng bỗng bật khóc và quay mặt nhìn về gia đình bị hại như muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc. Điều này chắc hẳn sẽ còn làm Dũng day dứt lương tâm trong suốt phần đời còn lại.

    Ngồi ở hàng ghế những người tham dự phiên tòa, bạn gái của Dũng tiến lại gần bị cáo, bật khóc nói: "Anh cố gắng cải tạo tốt để sớm được về với gia đình, rồi mình làm đám cưới. Điều khiến em lo sợ nhất là khi anh về ba mẹ không còn nữa". Cô gái vừa dứt lời, Dũng khóc òa lên vì đau đớn. Ai cũng hiểu rằng, câu nói trên chính là "nhát dao" đâm thẳng vào trái tim Dũng, một con người vốn là "cánh tay phải" của gia đình, giờ lại trở thành gánh nặng quá lớn cho cha mẹ.

    Sau thời gian nghị án, căn cứ vào hồ sơ vụ án, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Dũng 18 năm tù về tội Giết người, 4 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Tổng hình phạt dành cho Dũng là 22 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 170 triệu đồng.

    Rời phòng xử án, không ít người nuối tiếc cho Dũng thốt lên rằng: "Giá như Dũng đừng hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ như vậy thì đã không có ngày hôm nay. Giờ thì chỉ có ba mẹ nó khổ thôi...".

    Hoàng Hưng

    Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 94

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-ve-con-xa-cua-ke-hai-nguoi-vi-tieng-net-po-a279760.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan