Gửi những nhà giáo “bá đạo”
Tháng 11, tháng tri ân thầy cô, ai đi qua thanh xuân cũng nhớ thời bảng đen, phấn trắng, thầy cũ, bạn xưa. Lớp học trò hiện tại tìm hoạt động bày tỏ tình cảm với thầy cô. Lẽ đương nhiên, phụ huynh cũng không ngoại lệ bởi “tôn sư trọng đạo” đã thành truyền thống và người xưa đã đúc rút “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Đừng nghĩ đến việc cứ tri ân thầy cô là phải gửi phong bì và cũng đừng nhìn hiện thực kêu gọi tặng chúng tôi nhiều phong bì mà vội vàng quy kết bản chất. Bản thân hoa vốn là đại sứ của cái đẹp, phong bì là sự cho - nhận nhưng ý nghĩa ở mỗi trường hợp là khác nhau.
Thầy Đào Tuấn Đạt gửi thông điệp: "Hãy tặng chúng tôi nhiều phong bì". |
Đừng vội bình luận ác ý về chuyện thầy giáo kêu gọi “hãy tặng chúng tôi nhiều phong bì” khi chưa hiểu hết bản chất của câu chuyện. Mấy ngày gần đây, nhiều người nhắc nhiều đến thầy Đào Tuấn Đạt cùng các giáo viên khác của trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đã đồng loạt đăng tải dòng trạng thái: "Đừng tặng hoa, đừng tặng quà mà hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì nhân ngày 20/11!" trên trang cá nhân. Nhiều người đã giật mình trước thông điệp này. Nhiều anh hùng bàn phím vốn quen lướt web, nhìn title mà chẳng quan tâm đến nội dung đã vung tay múa phím với đủ lời… phê bình sâu sắc.
Hãy nhìn xem, đằng sau thông điệp ấy là gì? Nhà trường đã có nhiều hoạt động để có nguồn kinh phí giúp đỡ học sinh vùng sâu, vùng xa còn đang khó khăn. Tôi thực sự trân trọng thông điệp kêu gọi tặng nhiều phong bì trong trường hợp cụ thể này. “Chúng tôi muốn nhân dịp này, dùng toàn bộ số tiền các bạn trao tặng, cùng với số tiền chúng tôi gây quỹ được bằng cách dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát ở bờ hồ… để mua chăn tặng các thầy cô giáo và các em học sinh ở trường tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa”, thầy Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường Anhxtanh đã viết như vậy. Thật trân quý biết bao! Trong câu chuyện này, phong bì không phải là hoa nhưng chúng đẹp và ý nghĩa thiết thực gấp nhiều lần bông hoa đẹp.
Cũng là hoa và phong bì nhưng ở câu chuyện của cô giáo cũ lại khiến lớp học trò rời ghế nhà trường gần 30 năm rưng rưng xúc động. Chuyện đến thăm cô với bó hoa tươi thắm là điều chắc chắn và một chiếc phong bì là “tấm lòng”. Nhưng học trò cũ cũng đang làm giáo viên của trường xưa ngăn lại: “Đưa phong bì, cô sẽ buồn đấy. Đừng biến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày gửi thiệp mừng bằng phong bì”… Học sinh đến nhà cô chỉ mang theo bó hoa tươi, cô vui khi gặp trò cũ. Tình cảm ấy, niềm vui ấy làm rộn ràng những trái tim. Mới hay, cô vẫn hàng tháng gửi “phong thư” giúp đỡ gia đình học sinh cũ hoàn cảnh khó khăn, chồng mất nhưng có con học giỏi. Ai cũng xúc động, quà tặng thiết thực nhất chính là tình cảm, thời gian càng dài mà vẫn nhớ tới thầy cô.
Thông điệp Ngày 20/11 của thầy giáo của trường ĐH Văn Hiến. |
Yêu thầy cô giàu tình cảm, tôi cũng thích những giáo viên độc đáo. Thầy cô của thời đại 4.0 với đầu óc hài hước và sáng tạo, đưa ra những thông báo vô cùng “bá đạo” nhưng lại hết sức đáng yêu khiến học sinh ai cũng “phát cuồng”. Một vị giáo viên đã viết một tờ giấy thông báo: “Cấm sinh viên không được tặng quà nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vì thầy đã được nhận từ nhà trường rồi. Hãy dùng số tiền đó để đóng học phí. Thầy không cần gì nhiều chỉ cần… rủ thầy đi uống bia Campuchia”.
Phong bì của sự vòi vĩnh, đòi hỏi sự hàm ơn thì đáng lên án. Song có những trường hợp chiếc phong bì ấy lại hàm chứa ý nghĩa nhân văn lay động biết bao trái tim, nó đẹp hơn những bông hoa tươi thắm ngoài kia. Ngày 20/11, giáo viên, hoa tươi, phong bì… sẽ thành vô nghĩa khi con người thiếu đi tấm chân tình!
Minh Khánh