Thông tin ban đầu, sáng 26/6, ông Nguyễn Quang Hùng (50 tuổi, ngụ xóm Bạch Ngọc, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương; làm nghề nạo vét giếng thuê) xuống dưới giếng của gia đình ông Nguyễn Đình Q. (64 tuổi, ngụ thôn Giang Tiên, xã Thanh Giang) để nạo vét, khơi mạch nước.
Khi ở đáy giếng sâu khoảng 13m, ông Hùng thiếu không khí để thở nên ngất xỉu.
Nhận được thông tin, Công an xã Thanh Giang đã nhanh chóng và phối hợp với người dân dùng mọi biện pháp để cứu người bị nạn.
Đến khoảng 8h15 cùng ngày, ông Hùng được đưa lên khỏi giếng. Hiện, sức khỏe nạn nhân đã ổn định.
Qua sự việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân có ý thức đề phòng tai nạn ngạt khí, đuối nước khi hành nghề nạo vét giếng, hầm ga… và tìm hiểu cách cứu nạn, cứu hộ khi có trường hợp tai nạn xảy ra.
Trong môi trường giếng sâu, đặc biệt những giếng đậy nắp lâu ngày, ít sử dụng, những sản phẩm chuyển hóa của sự phân hủy các chất hữu cơ là các khí độc như CH4, CO2, CO và H2S… có tỉ trọng nặng hơn oxy, càng ở dưới sâu thì hàm lượng càng đậm đặc. Các nạn nhân có thể tử vong do thiếu oxy và hít phải các khí độc trên.
Ngoài ra, ở những vùng có nhiều mỏ than, quặng dầu hay các bãi rác, chất thải nông nghiệp thì ở những giếng sâu thường xuất hiện nhiều khí CH4. Đây là loại khí độc có thể làm một người tử vong nhanh chóng nếu đạt nồng độ cao. Vì vậy, người dân cần lưu ý khi có ý định xuống giếng sâu ở những khu vực này.
Việt Hương (T/h)