(ĐSPL) - Ngày 25/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo nguyên nhân ngao chết bất thường dọc bờ biển huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa thời gian qua.
Theo tin trên báo VnExpress, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu ngao, mẫu tang vật đổ thải cho thấy, ngao chết không phải do dịch bệnh, không phát hiện bất thường của yếu tố môi trường cơ bản, không phát hiện thấy mối liên quan giữa tảo độc hại với hiện tượng ngao chết hàng loạt.
Ba mẫu phụ phẩm thủy sản thu từ các thùng tang vật đổ xuống biển (thu trên thuyền của ông Hoàng Văn Thành, bị người dân bắt quả tang đổ thải trái quy định ngày 31/12/2016) có hàm lượng Cd cao hơn giới hạn cho phép 44,4 - 82,8 lần, NH4 tổng cao hơn giới hạn cho phép 2,25 - 24,2 lần so với quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu nước từ vùng nuôi ngao thì hàm lượng Cd nằm trong giới hạn cho phép, còn NH4 cao hơn 7 lần so với quy định về chất lượng nước biển.
Từ thực tiễn nuôi trồng thủy sản cho thấy, giá trị NH4 tổng khoảng 3,5mg/l không thể gây chết ngao hàng loạt.
Người dân lao đao vì ngao chết trắng tại bờ biển huyện Hậu Lộc. |
Các cơ quan chức năng đưa ra nhận định, sự biến động lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm (từ ngày 14 đến 18/12, nhiệt độ giảm, ban ngày cao nhất 23 độ C, thấp nhất vào ban đêm khoảng 10 độ C), lại trùng với thời gian phơi bãi ngao là yếu tố ảnh hưởng xấu, gây sốc cho ngao.
Ngoài ra, mật độ ngao nuôi cao gấp 2 - 3 lần so với hướng dẫn kỹ thuật (bình quân 1.000 con/m2) dẫn đến cạnh tranh nguồn thức ăn và không gian sống, có thể gây chết ngao.
Liên quan đến sự việc, báo Người Đưa Tin cho biết, người dân nuôi ngao ở bãi biển xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) phản ánh thời gian gần đây, tình trạng ngao chết bất thường, không rõ nguyên nhân khiến họ vô cùng lo lắng. Nghi việc ngao chết là do nguồn nước ô nhiễm vì hoá chất độc hại, bị ai đó xả trộm xuống biển nên các hộ nuôi ngao ở đây đã phân người mật phục, theo dõi.
Khoảng 4h30 ngày 31/12/2016, người nuôi ngao xã Hải Lộc đã bắt được một chiếc tàu chạy từ xã Ngư Lộc ra vùng bãi triều giáp ranh xã Minh Lộc và Hải Lộc đổ nhiều thùng đựng chất xuống biển, nơi có bãi ngao.
Ngư dân và công an đã đưa 2 người này về trụ sở xã để làm rõ. Đó là Hoàng Văn Thành (SN 1973) và vợ Hoàng Thị Huệ (SN 1980), ngụ xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.
Cặp vợ chồng Thành và Huệ khai nhận làm thuê cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng, ở xã Ngư Lộc và được chủ cơ sở thuê chở chất thải trong bờ ra biển đổ, với giá 200.000 đồng/chuyến. Họ đã đổ thuê cho cơ sở trên từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi tháng từ 7 - 10 chuyến, mỗi chuyến đổ ra biển từ 10 - 15 thùng chất thải.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hoá, tính đến ngày 6/1, trên địa bàn xã Hải Lộc có 201/230ha ngao nuôi bị chết, chiếm tỷ lệ khoảng 70%, trong đó, xã Đa Lộc có 200/350ha; tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) có 12/12ha ngao chết.