+Aa-
    Zalo

    Ngành Trịnh Công Sơn học: Giá trị nghệ thuật chưa đủ tầm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày qua, dư luận xôn xao về đề xuất mở ngành Trịnh Công Sơn học của Đại học Văn Lang.

    Những ngày qua, dư luận xôn xao về đề xuất mở ngành Trịnh Công Sơn học của Đại học Văn Lang, không ít người lo ngại đây sẽ là “tiền lệ” xấu và bất hợp lý cho việc mở ngành học mới.

    Mới đây, đại diện lãnh đạo Đại học Văn Lang cho biết, nếu được áp dụng ngành Trịnh Công Sơn học sẽ là một điểm nhấn thú vị trong chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng, piano, thanh nhạc, Đông phương học của trường và cả về bản sắc văn hóa, tâm tính dân tộc.

    Chuẩn bị tiềm lực đến đâu?

    Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Phó Trưởng khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định: “Bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên khi nghe thông tin này. Trên thế giới, để phát triển một ngành học độc lập về một nhân vật như thế này, tôi cũng chưa từng thấy, nếu có, chỉ là các nhành nhỏ, bộ môn về một vĩ nhân”.

    Bà phân tích: “Để hình thành một ngành học đâu phải là đơn giản, phải có phương pháp luận, phải có lý thuyết, nghiên cứu chuyên sâu, có khung nền chương trình rõ ràng, có đội ngũ chuyên gia cứng,… chứ cũng không thể tùy tiện mở một ngành học như vậy được.

    Khi đưa ra được một ngành học mới, cần đảm bảo cơ sở vật chất, chương trình học và đội ngũ giảng viên giảng dạy, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không dễ dàng để mở thêm một ngành mới. Điều quan trọng, phải thuyết phục được hội đồng về đầu ra của sinh viên làm lĩnh vực nào, hay là mở ra rồi dẹp luôn, nếu dễ dàng thì các trường sẽ mở ngành ồ ạt”.

    TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh băn khoăn nhiều khi nghe về đề xuất ngành học mới này.

    TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh cho biết thêm: “Theo tôi, cũng cần quan tâm vấn đề tiềm lực đã chuẩn bị được đến đâu chứ không thể nói suông mà làm được. Điều quan trọng nhất ban đầu cần phải tìm hiểu thật kỹ, những người am hiểu về Trịnh Công Sơn có nhiều không, để có thể đáp ứng môt đội ngũ cứng để giảng dạy hay không?

    Để mở ra một ngành học cũng phải chuẩn bị chu đáo chương trình đào tạo, nội dung đào tạo cả phần cứng, phần mềm, phần bắt buộc, tự chọn, ra bao nhiêu tín chỉ trong từng học phần, bên cạnh đó, phải có sự thống nhất, logic trong đó, phân bổ thời gian ra sao. Với thời gian 3-4 năm sẽ phải học những gì, đội ngũ giảng viên sẽ là những ai…

    Nếu mở ngành Trịnh Công Sơn học, có thể những năm đầu nghe sẽ “hot hot”, hoặc công tác PR tốt, nhưng phải xác định rõ định hướng đào tạo sinh viên theo hướng nghiên cứu hay biểu diễn, hay kiêm tất cả, nếu kiêm tất cả thì càng khó khả thi, bởi những người nghiên cứu chắc gì có khả năng hát, những người hát lại không có thời gian nghiên cứu”.

    Nhạc Trịnh không đặc sắc đến mức phải mở ngành

    ThS. Nguyễn Đức Linh, giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng bày tỏ: “Tôi chỉ biết “cười” khi nghe nhắc đến thông tin này, thậm chí còn chưa tin là thông tin có thật, người đưa ra ý tưởng đề xuất dường như đang “diễn trò” bởi rất nhiều nhân vật đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng cho dân tộc cũng chưa thấy được mở ngành học. Tự nhiên lại có một đề xuất mở ngành về một nhạc sĩ như thế này, nếu tương tự sẽ có rất nhiều ngành về các nghệ sĩ, bất hợp lý”.

    ThS. Nguyễn Đức Linh cho rằng đóng góp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là rất lớn đối với tân nhạc Việt Nam nhưng chưa đủ tầm mở ngành học.

    Ông Linh cũng nhận định: “Ngành này mà tuyển sinh thì chắc sinh viên sẽ chỉ học chuyên sâu đàn hát đúng những ca khúc của Trịnh Công Sơn, ngành sẽ “không sống được”.

    Những người hiểu nhạc đánh giá về Trịnh Công Sơn không phải qua âm nhạc, mà chủ yếu là qua tư tưởng. Theo bản thân tôi, nhạc của ông ấy dễ nghe dễ hiểu, không có giá trị quá lớn về mặt giai điệu, chỉ là ca từ của ông “tình” quá. Nếu tất cả những bài hát của ông, tách lời ra chỉ nghe về nhạc không thì cũng không có gì quá “ghê gớm”, chỉ khi có lời mới nâng tầm lên thôi”.

    “Chưa hết, việc đào tạo sinh viên trong suốt 4 năm, nội dung sẽ na ná các ngành nghệ thuật khác, riêng các ca khúc nhạc Trịnh, kiến thức về lịch sử, tư tưởng của ông… thì cũng chỉ là một nhánh nhỏ trong các phần đào tạo ở các trường nghệ thuật, vậy việc xây dựng nội dung đó trong 4 năm đào tạo một ngành riêng hoàn toàn bất khả thi.

    Tôi không hiểu vì sao lại có người đề xuất mở ngành về một nghệ sĩ, tôi thừa nhận là ông ấy có cống hiến cho nghệ thuật Việt Nam, dòng tân nhạc, nhưng nghệ thuật thì nghệ thuật, không đến mức để làm như vậy. Mà có mở ra được thì ngành cũng sẽ không có “đất sống”, vì không mang lại giá trị gì mới phục vụ thực tiễn”, ThS. Nguyễn Đức Linh nhấn mạnh.

    Trước đó, ông Nguyễn Cao Trí - Phó Chủ tịch HĐQT Đại học Văn Lang đã cho biết, trường đặt tên Trịnh Công Sơn cho hội trường lớn và đăng cai tất cả các sự kiện lớn liên quan đến cố nhạc sĩ hàng năm.

    Theo ông, hiện nay các nước ở châu Âu hay Nhật rất thích Trịnh Công Sơn. “Trịnh Công Sơn là người của âm nhạc, hội họa, văn thơ, cổ súy cho tinh thần tử tế. Nhiều người đã bảo vệ cấp tiến sĩ về ông rồi. Hiện nay một số trường ĐH trên thế giới cũng đã có nghiên cứu về cố nhạc sĩ. Việt Nam mở ngành này sẽ rất tốt và không làm sẽ rất dở”, ông Nguyễn Cao Trí cho biết.

    Phó Chủ tịch HĐQT Đại học Văn Lang cũng bật mí thêm: “Sinh viên sẽ học mọi thứ xoay quanh cố nhạc sĩ trong ngành Trịnh Công Sơn học. Đặc biệt, có 3 đặc điểm lớn về ông mà sinh viên cần học: tử tế, dân tộc, âm nhạc. Mở ngành này sẽ có sức hút lớn, đặc biệt với sinh viên nước ngoài. Hiện nay người nước ngoài muốn nghiên cứu về nhạc sĩ không có môi trường để nghiên cứu một cách bài bản. Trường cũng bàn với gia đình cố nhạc sĩ thành lập một thư viện gồm các tư liệu về ông”.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nganh-trinh-cong-son-hoc-gia-tri-nghe-thuat-chua-du-tam-a273531.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan