Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023. Theo đó, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 8.991 tỷ đồng. Dù kinh doanh khởi sắc tuy nhiên nợ xấu của Vietcombank cũng tăng mạnh sau 3 tháng đầu năm.
Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt hơn 14.200 tỷ đồng, tăng 18,6%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt giảm mạnh tới hơn 46%, chỉ còn 1.456 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh khác mang về cho Vietcombank lần lượt 1.706 tỷ đồng và 1.083 tỷ đồng, tương ứng tăng 12% và 124%.
Chi phí hoạt động của Vietcombank trong quý 1 là 5.274 tỷ đồng. Ngân hàng trích 2.022 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,846 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Hạng mục tài sản có khác ghi nhận hơn 28.400 tỷ đồng, trong đó các khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) của Vietcombank ở mức 10.053 tỷ đồng, tăng 14% so với số đầu năm.
Lãi dự thu của Vietcombank tăng “đồng pha” với tổng nợ xấu của nhà băng này. Theo đó, kết thúc quý 1/2023, Vietcombank ghi nhận tổng nợ xấu đạt mức 9.942 tỷ đồng, tăng hơn 27%, nâng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ 0,68% lên 0,85%.
Về chất lượng tín dụng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Vietcombank giảm nhẹ xuống còn 6.439 tỷ đồng. Các khoản nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng hơn 25%, lên mức gần 980 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng vọt gấp 6 lần so với đầu năm, lên mức hơn 2.523 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2023, Vietcombank đang nắm giữ số tài sản đảm bảo trị giá 2,139 triệu tỷ đồng. Trong đó , giấy tờ có giá là 39.934 tỷ đồng, bất động sản thế chấp có giá trị 1,587 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 74%).
Năm 2023, Vietcombank đặt kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu chính như lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến tổng tài sản tăng 9%; dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tỉ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022; tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%; tỉ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
PV