+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng thương mại: Nhấp nhổm vì “bóng ma" nợ xấu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy các đơn vị này vẫn đang nhấp nhổm vì “bóng ma” nợ xấu.

    (ĐSPL) - Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy các đơn vị này vẫn đang nhấp nhổm vì “bóng ma” nợ xấu.

    Ngân hàng Nhà nước khoe, ngân hàng thương mại "nhấp nhổm"

    Tin tức trên VTC News, tại buổi họp báo công bố Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2016, định hướng những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45\%, huy động vốn tăng 9,94\% (huy động bằng VND tăng 12,28\%, bằng ngoại tệ giảm 6,25\%), tín dụng nền kinh tế tăng 8,54\% so với cuối năm 2015.

    Thông thường, tăng trưởng tín dụng thường đi kèm nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu lại có xu hướng giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58\%, giảm so với mức 2,78\% vào tháng 5/2016.

    Theo số liệu do các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) báo cáo Ngân hàng Nhà nước, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59.710 tỷ đồng (giảm 14,55\% so với cùng kỳ năm trước).

    Trong đó, bán nợ cho VAMC (8.880 tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30.980 tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7.240 tỷ đồng).

    Ngân hàng Nhà nước “khoe” nợ xấu giảm. Nhưng báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy các đơn vị này vẫn đang nhấp nhổm vì “bóng ma” nợ xấu.

    Theo báo cáo tài chính quý 2/2016 của các ngân hàng, vào thời điểm cuối tháng 6 năm nay, 9 ngân hàng niêm yết sở hữu hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28\% so với mức 33.868 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015.

    Trong đó, 3 ông lớn trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng” nắm giữ tới 26.019 tỷ đồng, tăng 3.886 tỷ đồng, tương ứng 1,76\%. Tỷ lệ này dưới mức “trần” 3\% do Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng có thể thấy, xét về giá trị tuyệt đối, mức tăng hàng ngàn tỷ đồng chỉ tại 3 ngân hàng là không hề nhỏ.

    Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy các đơn vị này vẫn đang nhấp nhổm vì “bóng ma” nợ xấu. (Ảnh minh họa).

    Điều đáng nói, không chỉ nợ xấu tăng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng. Tổng nợ có khả năng mất vốn của 3 ông lớn là 14.069 tỷ đồng, tăng 493 tỷ đồng.

    Tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn cũng không khả dĩ. Trong đó, ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gây chú ý nhất khi để nợ xấu vọt lên 5,3\%. Eximbank là đơn vị duy nhất vi phạm mức “trần” nợ xấu 3\% do Ngân hàng Nhà nước quy định.

    Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2/2016, nợ xấu của Eximbank là 4.287 tỷ đồng, chiếm 5,3\% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 802 tỷ đồng hồi cuối năm 2015 lên 1.073 tỷ đồng, nợ dưới chuẩn “bứt phá” từ 182 tỷ đồng lên 2.416 tỷ đồng.

    Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng là đơn vị bị ám ảnh bởi “bóng ma” nợ xấu. Cuối quý 2, ngân hàng có 5.553 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,9\% tổng dư nợ, gần chạm mức “trần” 3\%.

    Các thành phần cấu thành nợ xấu đều tăng mạnh. Nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lần lượt tăng từ 225 tỷ đồng lên 1.001 tỷ đồng, 125 tỷ đồng lên 1.399 tỷ đồng và từ 3.153 tỷ đồng lên 3.030 tỷ đồng.

    Giống Eximbank, nợ xấu là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Sacobank giảm sút vì Sacombank phải tăng mạnh tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 của Sacombank chỉ đạt 107 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 217 tỷ đồng, giảm 937 tỷ đồng, tương ứng 81,3\%.

    Chuyên gia ngân hàng: 'Lo ngại một số ngân hàng đang che giấu nợ xấu'

    TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng, cũng cho biết: “Đừng vội nói tới chuyện tăng năng lực cạnh tranh của ngân hàng, khó khăn trong tăng vốn. Điều đó sẽ là xa vời nếu như chúng ta không có cái nhìn đúng đắn về hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng Việt Nam hiện nay”.

    Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần đặt ra câu hỏi: “Hệ số (CAR) của các ngân hàng hiện nay liệu có phản ánh đúng thực trạng năng lực tài chính của họ?”

    Ông Hiếu nhận định: “Kinh doanh ngân hàng là ngành kinh doanh có tính rủi ro cao. Vốn là xương sống, là gối đệm an toàn cho ngân hàng khi kinh doanh rủi ro. Tuy nhiên, tôi lo ngại về hệ số an toàn vốn (CAR) hiện tại mà các ngân hàng báo cáo là không thực chất”.

    Theo tổng hợp báo cáo của các ngân hàng thì hiện nay các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn đạt hệ số CAR là 9\% và toàn ngành ngân hàng là 12\%, đúng theo quy định hiện hành. “Tuy nhiên, tôi sợ rằng để làm “đẹp” sổ sách thì nhiều ngân hàng đã “khai khống”, ông Hiếu chia sẻ.

    “Khai khống” ở đây có thể hiểu là hiện nay có nhiều ngân hàng xảy ra trường hợp có những tài sản không có khả năng sinh lời, không còn khả năng thu hồi vốn, đáng ra phải để ở nhóm nợ xấu (nợ có thể mất vốn) thì ngân hàng vẫn cố tình để ở nhóm nợ bình thường để tránh phải trích lập dự phòng cao cho nhóm nợ này, để làm đẹp sổ sách.

    Những tài sản đáng ra phải là tài sản nợ lại được đưa vào nhóm tài sản sinh lời đó có thể gọi là tài sản “độc hại”. “Nếu bây giờ làm minh bạch lại, làm rõ ràng ra thì khối tài sản độc hại sẽ chuyển từ nhóm sinh lời sang nhóm nợ, từ đó mà vốn chủ sở hữu sẽ giảm đi đáng kể. Điều đó cũng có nghĩa là hệ số CAR của ngân hàng sẽ giảm theo. Tôi e rằng, lúc đó hệ số CAR của toàn hệ thống ngân hàng sẽ thấp hơn con số 12\% nhiều”, ông Hiếu lo lắng.

    Ông Hiếu cho biết, Việt Nam có nhiều điều lạ kỳ, nhưng có một quan niệm đi ngược lại thông lệ quốc tế mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ, là khi hỏi về ngân hàng chúng ta lại chỉ hay nói tới vốn điều lệ chứ không nói tới vốn chủ sở hữu. Trong khi vốn chủ sở hữu mới là vốn thực có của ngân hàng, còn vốn điều lệ chỉ là dùng để chỉ vốn đăng ký ban đầu. Vốn chủ sở hữu sẽ tăng giảm khi ngân hàng làm ăn có lãi hoặc thua lỗ. Và vốn chủ sở hữu mới là chỉ số cho thấy hệ số CAR thực chất của ngân hàng ở đâu.

    “Rõ ràng là chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức tới hệ số CAR trong ngân hàng hiện nay. Nếu không đưa hệ số CAR về thực chất và đảm bảo an toàn thì lúc gặp rủi ro ngân hàng rất dễ rơi vào tính trạng mất vốn, hay phá sản nếu vốn chủ sở hữu rơi xuống mức âm”, bằng kinh nghiệm làm việc nhiều năm ở nước ngoài, ông Hiếu nhận định.

    Tuyết Mai (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-thuong-mai-nhap-nhom-vi-bong-ma-no-xau-a143555.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan