Theo WB, xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và tàn phá nền kinh tế nước này, phá hủy cơ sở hạ tầng và ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc, cũng như làm cạn kiệt khả năng thanh toán của chính phủ Ukraine.
Cơ quan này cho biết, gói viện trợ bổ sung 1,5 tỷ USD mới sẽ được sử dụng để trả lương cho chính phủ và công chức Ukraine, lưu ý gần 2 tỷ USD đã được giải ngân trước đó.
"Chúng tôi đang làm việc với các nước tài trợ để huy động hỗ trợ tài chính và tận dụng tính linh hoạt của các công cụ tài chính khác nhau của chúng tôi để giúp người Ukraine được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội”, Chủ tịch WB David Malpass cho biết.
Ngày 21/5, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn dự luật viện trợ gần 40 tỷ USD cho Ukraine.
Đây là gói viện trợ khẩn cấp về quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua. Gói hỗ trợ này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Các nhà kinh tế ước tính chi phí tái thiết Ukraine sẽ dao động từ 524 tỷ - 2.100 tỷ USD (tương đương 500 tỷ euro đến 2.000 tỷ euro), tùy thuộc vào thời gian kéo dài chiến tranh hay mức độ bị phá hủy. Tuy nhiên, với quy mô tài chính lớn như vậy, EU cũng đang xem xét tịch thu số tài sản bị đóng băng của Nga ở EU làm nguồn tài chính cho Ukraine.
Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 30% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) còn dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ suy thoái tới 45%.
Mộc Miên (Theo ndtv.com)