+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng Nhà nước nói rõ lý do các đối tượng bị cấm vay vốn từ tổ chức tín dụng

    (ĐS&PL) - Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng giải thích về quy định các đối tượng không được vay vốn từ tổ chức tín dụng theo Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

    Theo báo Lao động, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Thông tư 06 nhằm mục đích đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

    ngan hang nha nuoc noi ro ly do cac doi tuong bi cam vay von tu to chuc tin dung
    Ngân hàng Nhà nước nói rõ lý do các đối tượng bị cấm vay vốn từ tổ chức tín dụng.

    Theo lý giải từ NHNN, về vấn đề TCTD không được cho vay để gửi tiền, thực tiễn có phát sinh trường hợp TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi học, làm việc ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm.

    NHNN từng cảnh báo các TCTD, bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ TCTD. Thông tư 06 nhằm kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính.

    Với nhu cầu vay là góp vốn, chuyển nhượng, mua cổ phần, NHNN cho biết, quy định này chỉ áp dụng đối với mục đích thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Đối với mục đích góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty cổ phần niêm yết, TCTD vẫn cho vay theo quy định.

    Thuyết minh của NHNN nêu rõ: “Phần vốn góp tại công ty TNHH, công ty hợp danh là vốn điều lệ của công ty trên báo cáo tài chính, do vậy nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty. Đồng thời, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc TCTD cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro”.

    Bởi lẽ, đây là nhu cầu vốn mà TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp. Đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể che giấu việc sở hữu lẫn nhau.

    Mặt khác, nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền từ chủ đầu tư (hoàn trả vốn góp và lợi tức), giá trị khoản vay khá lớn. Khách hàng vay có thể là doanh nghiệp mới thành lập, không có nguồn trả nợ khác, hoặc nếu có thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.

    Trên thực tế, bên nhận vốn góp sử dụng khoản vay góp vốn của khách hàng tại TCTD phần lớn để kinh doanh/khai thác vào các dự án. Trong khi đó, các dự án này chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ điều kiện triển khai. Nếu có rủi ro, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ phát sinh nhiều vướng mắc và khó xử lý.

    Yếu tố thứ ba, là TCTD chỉ không cho vay đối với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Nếu đủ điều kiện, TCTD tiếp tục xem xét cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định. Thông tư 06 bổ sung quy định TCTD phải có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

    Cuối cùng, TCTD không được cho vay để bù đắp tài chính. Lý do được đưa ra là do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch.

    Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đang làm thủ tục vay vốn trung, dài hạn để thực hiện dự án kinh doanh và phải ứng trước vốn để thanh toán, đảm bảo tiến độ dự án, TCTD có thể giải ngân số tiền doanh nghiệp ứng trước vốn đã thực hiện dự án cũng như tiếp tục xem xét giải ngân để thực hiện dự án đó nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Nhờ đó, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp sẽ tăng lên nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì và dự án được thực hiện đảm bảo theo đúng tiến độ, tạp chí Đầu tư tài chính thông tin.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-nha-nuoc-noi-ro-ly-do-cac-doi-tuong-bi-cam-vay-von-tu-to-chuc-tin-dung-a583390.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan