Theo thông tin trên báo Người lao động, Ngân hàng Nhà nước vừa gửi hàng loạt văn bản đề nghị các bộ Tài chính, Công an, Công Thương phối hợp triển khai công tác quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua bán vàng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.
Bộ Tài chính tiếp tục cung cấp thông tin về các vụ việc buôn lậu vàng để Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng, đồng thời hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ việc đấu thầu.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường; kịp thời phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước yêu cũng cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP; thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; áp dụng hóa đơn điện tử để nâng cao tính công khai, minh bạch trong mua - bán vàng.
Theo báo VnExpress, để ổn định thị trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay và luôn chênh lệch vàng trong nước, thế giới. Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan quản lý "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết", khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ngân hàng Nhà nước sau đó cho biết sẽ tăng nguồn cung vàng để giảm chênh lệch này. Cơ quan quản lý cũng sẵn sàng các phương án can thiệp và kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trong hai năm 2022-2023.
Chiều 15/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết hoàn tất khâu chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng cung cho thị trường và sẽ gửi thông báo đấu thầu trước một ngày đấu thầu. Như vậy, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước mới quay trở lại đấu thầu vàng miếng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Đã có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC, thông tin trên báo Tuổi trẻ.
V.A(T/h)