Hàng chục tỷ đồng “bốc hơi” tại Ngân hàng MSB?
Chiều 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 10/10/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Căn cứ kết quả điều tra, Công an xác định, bà Hoài Anh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.
"Cơ quan Công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Bước đầu xác định không có đồng phạm, vụ việc đang được tiếp tục điều tra” - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết và đề nghị bị hại liên quan vụ án liên hệ với cơ quan Công an để phối hợp điều tra.
Trước đó, mạng xã hội xôn xao về trường hợp của khách hàng N.T.L. Theo đó, bà N.T.L bắt đầu gửi tiền vào ngân hàng MSB từ tháng 3/2021. Đến 26/9/2023, tổng cộng số tiền gửi là 58,65 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10/2023, bà L. được cơ quan Công an TP Hà Nội mời lên làm việc và thông báo số tiền trong MSB không còn. Số dư tài khoản của bà L. đến ngày 23/10/2023 chỉ là 93.640 đồng.
Tương tự, chị V.T.K.O (Hà Nội) cũng phản ánh tài khoản 27,7 tỷ đồng gửi tại MSB bỗng "bốc hơi", chỉ còn 46.328 đồng.
Trong thông cáo báo chí chính thức, Ngân hàng MSB xác nhận vừa qua, một số phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã lan tỏa thông tin liên quan đến việc khách hàng phản ánh bị mất tiền trong tài khoản mở tại một chi nhánh.
MSB cho biết trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.
“Hiện vụ việc đã được Công an Thành phố Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu. Chúng tôi đã thông tin phản hồi đến nhóm khách hàng có liên quan bằng văn bản, trừ các thông tin không được cung cấp cho báo chí do đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi sẽ tôn trọng kết luận và phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền”, thông cáo báo chí của MSB nêu rõ.
MSB đang kinh doanh thế nào?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, MSB ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong kỳ ở mức 483,7 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng cho biết nguyên nhân chủ yếu là do tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh không có biến động đáng kể, trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đồng loạt tăng.
Cụ thể, báo cáo kết quả hoạt động hợp nhất quý IV của MSB cho thấy thu nhập lãi thuần của ngân hàng này trong kỳ tăng 14%, đạt gần 2.383 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi tại MSB có sự tăng trưởng không đồng đều. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng vọt lên 281,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 130 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ mang về cho MSB hơn 281 tỷ đồng, tăng 10%.
Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lại giảm tới 63%, đạt 41 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động khác cũng lỗ hơn 265 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 329 tỷ đồng). Chi phí hoạt động tại MSB tăng nhẹ 9% lên 1.787 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động cũng giảm 9% xuống còn 934 tỷ đồng.
Đồng thời ngân hàng tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 327 tỷ đồng (gấp 4,7 lần) dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 37%, ở mức 607 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận thuần tại MSB đạt 7.477 tỷ đồng, tăng 20% song chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng gấp 3,4 lần lên 1.646 tỷ đồng nên lãi trước thuế của MSB chỉ tăng nhẹ 1% so với năm trước, đạt 5.830 tỷ đồng.
Năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng này mới chỉ thực hiện được 93% kế hoạch.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt 267.005 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 149.145 tỷ đồng.
MSB giảm dần tỷ lệ cho vay bất động sản trong danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp khi tỷ trọng này giảm từ mức 13,5% năm 2022 xuống 12,2% năm 2023.
Tiền gửi khách hàng tăng 13%, ghi nhận đạt 132.350 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 97.000 tỷ đồng (tăng 21%), tiền gửi từ khách hàng cá nhân khoảng 76.000 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 57% tổng danh mục, tăng 26%.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 của MSB là 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất với 222% lên 1.441 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng lần lượt 67% và 79%. Do đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,87% vào cuối năm 2023.