Ngày 20/3, Guardian đưa tin Chính phủ Thụy Sĩ đã buộc đối thủ UBS tiếp quản ngân hàng đang gặp khó khăn Credit Suisse với giá gần 3,25 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường - trong bối cảnh lo ngại rằng việc không bảo vệ người gửi tiền sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu mới.
UBS Group sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 3,23 tỷ USD) cho đối thủ lâu năm Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, và chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD trong một thỏa thuận được hỗ trợ bởi một khoản bảo lãnh lớn của chính phủ Thụy Sĩ và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2023.
WSJ gọi thương vụ này là "cuộc siêu sáp nhập" đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trên toàn cầu về mặt hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Theo thỏa thuận, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ cấp hơn 9 tỷ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi tiếp quản Credit Suisse. Còn Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset giải thích rằng hôm 17/3, dòng tiền chảy ra và biến động trên thị trường cho thấy Credit Suisse không còn khả năng khôi phục niềm của tin thị trường. "Một giải pháp nhanh chóng và ổn định là điều cần thiết. Đó là để UBS tiếp quản Credit Suisse", ông cho hay.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter khẳng định đây không phải gói cứu trợ mà là một giải pháp thương mại. "Credit Suisse sẽ gây ra thiệt hại lớn về tài sản thế chấp trên thị trường tài chính Thụy Sĩ và có nguy cơ lan ra quốc tế", bà nói.
Bà cũng cho biết đã liên lạc với "các đồng nghiệp tại Anh và Mỹ". "Họ cảm ơn giải pháp này vì thực sự lo ngại Credit Suisse sẽ phá sản", Keller-Sutter nói.
Credit Suisse đã trở thành "tâm điểm" trên thị trường tài chính toàn cầu tuần qua, sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng nhỏ hơn tại Mỹ là Silicon Valley Bank và Signature Bank. Nhà đầu tư liên tục bán tháo khiến cổ phiếu của Credit Suisse tuộc dốc không phanh.
Linh Chi(T/h)