Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Phi cuối cùng cũng đã đi tới một kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư chủ yếu từ Trung Đông và Bắc Phi đang tràn vào châu Âu.
Với khoảng 1,2 triệu người di cư đổ tới các nước EU từ đầu năm nay, hành động vào lúc này là quá chậm, nhưng có thể coi là bước đi tích cực đầu tiên để hai khu vực chính thức bắt tay phối hợp giải quyết vấn đề nhức nhối này.
Người tị nạn và di cư qua khu vực biên giới Hy Lạp- Macedonia ngày 10/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc hơn 60 lãnh đạo của các nước châu Âu và châu Phi cúi đầu mặc niệm các nạn nhân bỏ mình ở Địa Trung Hải trong ngày đầu tiên của cuộc họp thượng đỉnh ở Malta cho thấy các chính trị gia đã quyết tâm đi tới sự đồng thuận. Đó là không thể chấp nhận thảm họa này, không thể chấp nhận tình cảnh hàng nghìn người thiệt mạng trên hành trình tới châu Âu.
Dù có sự khác biệt về lập trường của các nước trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, nhưng các nhà lãnh đạo của hai khu vực đều thừa nhận rằng phải nhanh chóng cải thiện đời sống của người dân tại châu Phi, cả về chính trị cũng như kinh tế, thì mới có thể làm giảm làn sóng người ra đi.
Tại hội nghị, các nước EU đã đưa ra một loạt đề xuất với châu Phi, bao gồm cung cấp cho các nước châu Phi khoản viện trợ 1,8 tỷ euro, được gọi là “Quỹ cho châu Phi” để hỗ trợ các nước châu Phi, đặc biệt các nước Đông và Bắc Phi, trong việc cải thiện cuộc sống của người dân và tăng cường các biện pháp an ninh để kiểm soát tốt vấn đề di cư.
EU sẽ tăng cường đầu tư vào châu Phi để tạo việc làm cho giới trẻ, hỗ trợ nông nghiệp, đồng thời khuyến khích cộng đồng người gốc Phi đầu tư vào đất nước của họ. EU sẽ tạo điều kiện cho những sinh viên, nhà nghiên cứu, những người chuyên môn cao của châu Phi được xin tị nạn.
EU cũng sẽ hỗ trợ các nước châu Phi đang đón nhiều người tị nạn từ các nước láng giềng và hợp sức với các nước này chống lại các đường dây buôn người. EU sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý và hỗ trợ trong việc hồi hương người châu Phi không được hưởng quy chế tị nạn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng khả năng dân số châu Phi sẽ gấp đôi con số hiện tại vào năm 2050 và áp lực từ dòng người di cư đòi hỏi cần có các hành động cụ thể ngay lập tức. Tuy nhiên, nhiều nước châu Phi vẫn tỏ ra lăn tăng về các đề xuất của EU vốn bị coi là khó thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban châu Phi (AU) Nkosazana Dlamini Zuma cho rằng vấn đề người di cư châu Phi cần phải đặt trong bối cảnh quan hệ lịch sử đã có từ lâu giữa hai lục địa. Thay mặt Cộng đồng kinh tế các nước châu Phi (CEDEAO), Tổng thống Senegal Macky Sall, cũng như đồng nhiệm Niger Mahamadou Issoufou, đều nhấn mạnh rằng mong muốn là một chuyện, nhưng việc có được nguồn tài chính để thực hiện các đề nghị của EU lại là một chuyện khác. Cả hai nhà lãnh đạo này đều kêu gọi EU cần giúp đỡ châu Phi nhiều hơn nữa.
Nhiều nước châu Phi cho rằng số tiền 1,8 tỷ euro viện trợ của EU là quá khiêm tốn nếu so với khoản 3 tỷ euro mà EU dự định cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục nước này giữ người tị nạn Syria lại trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng EU chỉ tìm cách đẩy người di cư trở về châu Phi mà không quan tâm tới các vấn đề quyền con người và các vấn đề kinh tế của "lục địa đen".
Hầu hết những người ra đi khỏi châu Phi là những người tị nạn vô tội và gia đình họ muốn tìm được nơi chốn an toàn thoát khỏi mối đe dọa của cái chết và cuộc bức hại. Việc giúp đỡ người di cư là hành động nhân đạo và EU không nên hẹp hòi.
Thực tế, từ nhiều năm qua, những người tị nạn đã cố gắng tìm cách tới lục địa già với các lý do rõ ràng. Bản thân EU đã chủ quan không không đưa ra bất kỳ chính sách nào chỉ vì tin rằng vấn đề này sẽ không tạo ra tác động lớn.
Đến lúc này, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu hiểu ra rằng họ đã sai lầm khi lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo M.Gadafi ở Libya. Sự bất ổn ở Trung Đông đang kéo theo sự sự trỗi dậy của các thế lực Hồi giáo cực đoan tại Kenya, Sudan, Nigeria, Mali hay Bờ Biển Ngà...
Đó là cái giá mà châu Âu đang phải trả. Việc một số nước EU, đứng đầu là Đức, chấp nhận tiếp nhận người di cư chỉ là giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết. Về lâu dài, châu Âu cần đến một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để giải quyết tình hình.
Các quốc gia châu Âu phải tìm cách ổn định tình hình ngay tại Trung Đông, xây dựng khu vực an toàn ở Syria với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ để người dân có thể tái thiết lại cuộc sống. Cùng thời điểm, châu Âu cần phải chủ động hợp tác với châu Phi, thông qua các chương trình phát triển quy mô lớn, đem đến việc làm và hy vọng mới cho người dân.
Theo TTXVN
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]NHsHSQ5oDP[/mecloud]