Vào dịp tháng 4 hàng năm, chùa Longdong trong khu thắng cảnh Kongwangshan, thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc trở thành điểm check in được yêu thích nhờ cây cổ thụ hơn 830 năm tuổi ở giữa sân. Đây là cây hoa lưu tô, tới mùa xuân sẽ trổ bông đầy cành.
Cây hoa lưu tô có tên khoa học là Chionanthus retusus, là một giống cây thuộc họ ô liu (Oleaceae), chi Chionanthus ("chion" có nghĩa là tuyết, "anthus" là hoa). Đặc điểm của lưu tô là tán lá rộng, bụi lớn nhiều thân, hoa nở thành chùm trắng như tuyết vào mùa xuân. Trong điều kiện lý tưởng, cây hoa lưu tô có thể cao từ 9 tới 12 mét.
Nhìn từ xa, những chùm hoa tựa đám mây, lại gần thì trắng muốt, đẹp và tinh tế, nổi bật giữa núi rừng và sắc vàng rực của ngôi chùa cổ. Tháng 7/2018, chính phủ đã vinh danh cây lưu tô này là "cây cổ thụ đẹp nhất Trung Quốc".
Được biết, ngôi chùa được xây dựng từ cách đây hơn 1.400 năm. Theo ghi chép cổ, cây hoa này được trồng từ thời Tống (1127-1279), từng chứng kiến nhiều cuộc xâm lăng của Mông Cổ trên đất Trung hoa và thành lập nhà Nguyên, cây cao 10m, đường kính 30cm và trổ bông đều đặn khi thời tiết ấm áp.
Hiện cây thuộc danh sách bảo vệ cấp quốc gia. Người dân địa phương còn coi đây là "cây cát tường" (tạm dịch: cây may mắn) bởi thu hút rất đông khách thập phương tới chiêm ngưỡng, mang lại nguồn thu du lịch.
Dù có tuổi đời hơn 800 năm, nhưng cây ra hoa rất đều đặn. Cứ đến độ tháng 4 hàng năm, hoa sẽ bung nở, trắng ngần cả một góc trời ở khu thắng cảnh. Thời gian hoa nở cũng rất ngắn, chỉ trong khoảng 2 tuần. Đó cũng là thời điểm đông khách du lịch đến chiêm ngưỡng nhất.
Năm 2018, cây được vinh danh là "cây cổ thụ đẹp nhất Trung Quốc", đồng thời là cây duy nhất ở tỉnh Giang Tô được lựa chọn.
"Khi hoa nở, cánh hoa dài mỏng như gạo nếp, có màu trắng muốt. Hoa có thể dùng để pha trà nên dân gian còn gọi là cây trà gạo nếp", ông Ying Qiao, người phụ trách khu thắng cảnh Kongwangshan, chia sẻ.
Để bảo vệ cây cổ thụ quý hiếm, chính quyền địa phương nghiêm cấm du khách không được hái lá và hoa. Tới đầu tháng 5, hoa lưu tô sẽ rụng tự nhiên xuống nền đất. Sau đó, các nhà sư ở ni viện sẽ thu thập những cánh hoa rơi trên sân, chế biến và tẩm ướp thành trà thơm. Vì quá quý hiếm nên thứ trà này không bán trên thị trường.
Như Quỳnh (T/h)