Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/3 thông báo quốc gia này đã chính thức rút khỏi Hội đồng châu Âu, một cơ quan thúc đẩy hội nhập của châu Âu đặt trụ sở tại Strasbourg, Pháp, vì cho rằng cơ quan này đã bị NATO và EU biến thành một công cụ để "mở rộng chính trị, quân sự và kinh tế sang phía Đông".
Trưởng phái đoàn Nga tại hội đồng Pyotr Tolstoy thông báo trên Telegram rằng, ông đã chuyển thư tuyên bố quyết định rời cơ quan giám sát nhân quyền của Moscow do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov soạn thảo. Hội đồng châu Âu cũng xác nhận đã nhận được thư của Nga.
Lá thư nêu rõ: “Mọi trách nhiệm về việc cắt đứt đối thoại với Hội đồng Châu Âu thuộc về các nước NATO, những nước mà suốt thời gian qua luôn sử dụng chủ đề nhân quyền để thực hiện các lợi ích địa chính trị của họ và phục vụ cho các cuộc tấn công vào đất nước của chúng tôi. Do các lệnh trừng phạt và áp lực chính trị chưa từng có mà châu Âu áp đặt đối với Nga, Nga sẽ không trả phí thường niên cho Hội đồng châu Âu".
Cũng theo ông Tolstoy, "quyết định cân bằng và thấu đáo” này được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng nghị viện Ủy hội châu Âu (PACE) đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga mà ông cho là có thể dẫn đến một nghị quyết chống Nga dựa trên những quy tắc không liên quan đến tình hình thực tế.
Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky cho rằng, khi rời khỏi Hội đồng châu Âu, Nga sẽ “buộc phải từ bỏ Công ước châu Âu về quyền con người". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định nhân quyền ở Nga sẽ được đảm bảo "bằng mọi cách và vô điều kiện”.
Cùng ngày, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết Chính phủ Nga đã chuẩn bị các biện pháp nhằm giải quyết tác động từ lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt.
Đề xuất bao gồm hơn 100 sáng kiến và biện pháp, với tổng số tiền tài trợ để thực hiện chúng ước tính khoảng 1 nghìn tỷ uble (9 tỷ USD).
“Theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, toàn bộ các biện pháp đã được chuẩn bị, nhiều biện pháp đã được đưa vào dự thảo kế hoạch hành động ưu tiên. Đây là một kế hoạch rất linh hoạt, sẽ được cập nhật liên tục và ban hành theo từng giai đoạn tùy thuộc vào tình hình", Thủ tướng Mikhail Mishustin nói.
Theo Thủ tướng Mikhail Mishustin, sáng kiến này bao gồm sự hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các công ty mua sắm thuộc hệ thống nhà nước.
Mộc Miên (Theo CNN)