Báo Dân trí đưa tin, ngày 24/10, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS: "Nga đã hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt trong thời gian tương đối dài, do đó, chúng tôi đã thích ứng một cách hiệu quả với chúng."
Ông Peskov đánh giá, nền kinh tế của Nga đã có thể thích ứng và đối phó với các lệnh trừng phạt của Phương Tây: "Những lệnh trừng phạt có thời hạn trong 5 năm nữa cũng không thể đe dọa chúng ta."
Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) tuần trước tuyên bố đang tìm cách lấp lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt Nga hiện tại, trong khi Ba Lan đề xuất khối tăng cường biện pháp. Giới chức EU còn ám chỉ các lệnh trừng phạt có thể được duy trì nhiều năm sau khi chiến sự Ukraine kết thúc.
Trước đó, Mỹ và các đồng minh lần đầu áp trừng phạt với Nga vào năm 2014, sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea. Sau khi chiến sự Ukraine bùng phát tháng 2/2022, phương Tây tiếp tục tung loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Moskva. EU đã triển khai 11 gói trừng phạt, gần nhất hồi tháng 6.
Ông Peskov nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thấy trong thời gian tới phương Tây sẽ tiếp tục áp lên Nga những gói trừng phạt mới, vô lý. Dù đối phương có làm gì thì chúng ta vẫn sẽ có biện pháp đối phó, giúp kinh tế đất nước tránh nguy cơ bị ảnh hưởng.”
Một số chuyên gia nhận định lệnh trừng phạt không thể tạo hiệu quả tức thì do Nga vẫn có nguồn thu lớn từ xuất khẩu năng lượng.
"Trước đây, trên thị trường dầu mỏ, vấn đề trần giá cũng đã được chúng ta nắm rõ. Chúng ta có thể tranh luận rất nhiều và đặt câu hỏi về tính hiệu quả của những quyết định này, nhưng chúng ta cũng chỉ có thể dự đoán những bước đi tiếp theo của đối phương", ông Peskov nói thêm.
Phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Nhà nước ngày 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến kinh tế nước này bị kìm hãm, nhưng cũng tạo ra những cơ hội mới, kích thích sự phát triển của nền kinh tế Nga.
Như Quỳnh (T/h)