Điện Kremlin tỏ rõ quan điểm cực kỳ tiêu cực đối với tối hậu thư mà trong đó Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Ngày 22/5, Điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích gay gắt "tối hậu thư" của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ mua S-400 là không thể chấp nhận được khi Washington buộc Ankara hủy bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga thay vào đó mua vũ khí của Mỹ.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov |
"Chúng tôi cảm thấy cực kỳ tiêu cực về điều đó. Chúng tôi tin rằng những tối hậu thư như vậy là không thể chấp nhận được", ông Peskov nói với các phóng viên, khi được hỏi về quan điểm của Điện Kremlin về những tuyên bố như vậy.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng một nhóm nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Nga để học cách vận hành các hệ thống phòng không giữa lúc Mỹ đang đưa ra lời đe dọa.
Động thái trên của Moscow nhằm phản ứng một thông tin do hãng tin CNBC đưa ra hôm 21/5, trong đó cho biết Washington đã cho Thổ Nhĩ Kỳ thời hạn 2 tuần để quyết định có hoàn tất một thương vụ mua vũ khí với Mỹ hay không, và hủy bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng từ Washington.
Theo CNBC, trong giai đoạn 2 tuần này, Ankara phải hủy thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 với Moscow và mua các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình Lockheed Martin F-35 (chương trình quốc tế chế tạo máy bay chiến đấu F-35).
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga đang là nguồn cơn căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. |
Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua các tên lửa phòng không S-400 của Nga là nguyên nhân khiến quan hệ của nước này với Mỹ trở nên căng thẳng. Washington đã nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35 và mối nguy hiểm cho nền quốc phòng phương Tây, đồng thời cảnh báo Ankara có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này.
Về phần mình, Ankara tuyên bố mua thiết bị quân sự là vấn đề mang tính chủ quyền và loại trừ khả năng từ bỏ kế hoạch. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống S-400 sẽ tách biệt với cơ sở hạ tầng của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ và không có liên hệ gì với F-35 và nước này sẽ vẫn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Minh Khôi(T/h)