Bất chấp những đe dọa từ NATO, các tàu chiến của Nga đã thực hiện diễn tập bắn tên lửa chống hạm trong các cuộc tập trận ở Biển Đen.
Các tàu tên lửa thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh: RIA Novosti. |
Theo báo cáo của người đứng đầu bộ phận đảm bảo thông tin thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, ông Alexei Rulev, các tàu chiến thuộc Hạm đội này đã diễn tập bắn tên lửa chống hạm nhằm vào các mục tiêu mặt nước trong các cuộc tập trận ở Biển Đen.
Quá trình thao diễn có sự tham gia của các tàu tên lửa “Ivanovets” và “R-60”. Tình huống giả định tấn công nhằm vào các mục tiêu mặt nước ở khoảng cách hơn 30 hải lý được thực hiện bởi các tên lửa chống hạm “Moskit”.
Các tên lửa đã bắn thành công vào vị trí mục tiêu phức tạp, bao gồm hai mục tiêu – lá chắn và một đội tàu “địch” giả định.
Bộ Quốc phòng Nga cũng lưu ý rằng khu vực biển thao trường, nơi diễn ra hoạt động bắn đạn thật, đã được phong tỏa và cấm di chuyển vào đối với các tàu dân sự.
Trước đó, ngày 2/4, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, Đại sứ Kay Bailey Hutchison cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng một gói các biện pháp để trình bày với các bộ trưởng ngoại giao, bao gồm việc tăng cường trinh sát trên không và trên biển, đồng thời huy động tàu của các quốc gia thành viên NATO tới Biển Đen để đảm bảo cho tàu Ukraine di chuyển an toàn qua Eo biển Kerch, Biển Azov".
Đại sứ Mỹ tại NATO cho biết thêm, những biện pháp đó có vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia láng giềng của Nga ở khu vực Biển Đen, giúp những nước này "không bị Nga can thiệp".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO. |
Ngày 3/4, phát biểu trước Quốc hội Mỹ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày ra đời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố, NATO không muốn một cuộc chạy đua vũ trang hay một cuộc chiến tranh Lạnh mới với Nga, song sẽ có hành động tự vệ khi cần thiết.
Ông Stoltenberg cũng đưa ra lời kêu gọi bảo vệ sự đoàn kết của NATO, với 29 quốc gia thành viên, trong bối cảnh những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt, trong đó có Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bài phát biểu của ông Stoltenberg đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của các nghị sĩ thuộc cả đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ khi đặc biệt nhắc lại cam kết của các nhà sáng lập: “Một vì tất cả, tất cả vì một”, một nguyên tắc đã được khắc sâu trong Hiệp ước thành lập NATO, song lại đang đứng trước thử thách trước các cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Xác định Nga là một trong những thách thức chưa từng có mà NATO đang phải đối mặt, ông Stoltenberg một lần nữa kêu gọi Nga tôn trọng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Từ đầu tháng 2 vừa qua, Mỹ đã quyết định rút khỏi hiệp ước, với cáo buộc Nga vi phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cũng quyết định chấm dứt sự tuân thủ của Nga và các cuộc đàm phán dường như đang lâm vào bế tắc.
Mộc Miên (T/h)