"Chủ tịch ICC Piotr Hofmanski bị đưa vào diện truy nã theo điều khoản của Bộ luật Hình sự Nga", hãng thông tấn Tass dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Nga ngày 25/9 cho biết. Ngoài ra, Phó Chủ tịch thứ nhất ICC Luz del Carmen Ibanez Carranza và thẩm phán Bertram Schmitt cũng bị truy nã với các cáo buộc hình sự.
ICC ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.
Bà Maria Zakharova - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, nhấn mạnh mọi quyết định của ICC "hoàn toàn không có ý nghĩa" đối với Nga. Và Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin nói động thái này là bằng chứng về "sự cuồng loạn" của phương Tây.
"Chúng tôi coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Tổng thống Liên bang Nga đều là hành vi gây hấn với đất nước chúng tôi",Reuters dẫn lời ông Volodin nói hồi tháng 3.
Cũng trong tháng 3, Ủy ban Điều tra Nga thông báo sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên của ICC. Ngày 19/5, Bộ Nội vụ Nga tiếp tục phát lệnh bắt giữ ông Karim Asad Ahmad Khan, luật sư người Anh hiện là công tố viên của ICC.
Moscow cáo buộc những thành viên này của ICC "có dấu hiệu vi phạm luật pháp Nga, tìm cách chống lại đại diện nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, nhằm gây phức tạp quan hệ trên thế giới".
Phương Uyên(T/h)