+Aa-
    Zalo

    Nga sở hữu công nghệ có thể phát triển tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc có kinh phí nhưng lại không sở hữu công nghệ về tàu sân bay hạt nhân, do vậy cần sự hỗ trợ từ phía Nga.

    Chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc có kinh phí nhưng lại không sở hữu công nghệ về tàu sân bay hạt nhân, do vậy cần sự hỗ trợ từ phía Nga.

    Trong những năm gần đây Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực vào phát triển tàu sân bay. Chiếc đầu tiên, tàu sân bay Liêu Ninh đã được đại tu và nâng cấp hồi tháng 1 vừa qua, trong khi chiếc thứ 2 do Trung Quốc tự sản xuất, chiếc Type-001A đang tham gia thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ đưa vào trang bị cuối năm nay.

    Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

    Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết, tàu sân bay thứ ba của Bắc Kinh đang trong quá trình đóng và giống như hai tàu sân bay trước đó đều không chạy bằng năng lượng hạt nhân do vẫn còn vướng mắc một số vấn đề.

    Chuyên gia Hải quân Li Jie đánh giá, để thực sự có khả năng cạnh tranh "Trung Quốc thật sự cần thêm sức mạnh, tàu sân bay năng lượng hạt nhân để chở các tiêm kích siêu nặng như J-15”.

    Trung Quốc vốn sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân nhưng hệ thống của phương tiện này chưa thể phù hợp với hàng không mẫu hạm.

    Chuyên gia quân sự Zhou Chenming khẳng định cách đây 25 năm Pháp đã học được bài học này. Khi đó, để giảm giá thành phát triển Charles de Gaulle – tàu sân bay hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Pháp – Paris đã thử nghiệm sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm K15 làm hệ thống động cơ đẩy chính. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công và Charles de Gaulle mang danh hiệu “tàu sân bay chậm nhất thế giới”.

    Để tránh lặp lại sai lầm của Pháp, Trung Quốc tìm đến Nga để bắt tay phối hợp. Trong tháng 6/2018, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc đã mời Nga tham gia dự án tàu phá băng năng lượng hạt nhân. Con tàu này dài 152 m, rộng 30 m và có lượng choán nước 30.000 tấn.

    Theo ông Li, những tàu phá băng được lắp hệ thống lò phản ứng sẽ cần một nguồn năng lượng lớn để có thể hoạt động. “Thiết kế của tàu phá băng là để cắt qua nhiều lớp băng dày, đồng nghĩa với việc nó cần được trang bị hệ thống năng lượng lớn”, ông Li cho biết.

    Trong khi Trung Quốc có khả năng phát triển lò phản ứng trên đất liền, nước này lại không có khả năng “thu nhỏ” lò phản ứng hạt nhân cho phù hợp với tàu sân bay.

    Tàu sân bay hạt nhân Đô đốc Kuznetsov của Nga. Ảnh: Sputnik

    “Trung Quốc sở hữu tiềm năng hải quân mạnh mẽ nhưng vẫn yếu thế trong lĩnh vực hạt nhân vì vậy có thể học hỏi từ Nga. Nga có công nghệ nhưng lại không nhiều kinh phí, Trung Quốc có kinh phí nhưng lại không sở hữu công nghệ. Khi hợp tác cùng nhau, Trung Quốc sẽ tiến gần hơn tới việc sở hữu tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên”, ông Zhou nói.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-so-huu-cong-nghe-co-the-phat-trien-tau-san-bay-hat-nhan-cua-trung-quoc-a284212.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan