Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay nước này sẵn sàng xem xét các đề xuất nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine của các nước Mỹ Latinh và châu Phi. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo rằng cả Kiev và Moscow đều đã phát đi tín hiệu sẵn sàng tổ chức một phái bộ hòa bình với sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Phi.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus Sergey Aleynik hôm 17/5 ông Lavrov cho biết: “Chúng tôi đã trả lời những người bạn Mỹ Latinh và châu Phi rằng sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất nào của họ dựa trên mong muốn thực sự là đóng góp vào sự ổn định của khu vực và trật tự thế giới”.
Trước đó, hôm 16/5, nhà lãnh đạo Nam Phi Ramaphosa tiết lộ hôm rằng ông đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky, cả hai đều sẵn sàng tiếp các nhà lãnh đạo châu Phi và thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột. Đến nay, các nhà lãnh đạo của Senegal, Uganda và Ai Cập đã đồng ý tham gia sáng kiến này.
Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov ngày 17/5 đã cũng đưa ra đề xuất thiết lập một vùng phi quân sự kéo dài 100km giữa Nga và Ukraine trong kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột đang rất căng thẳng hiện tại. Chính quyền Moscow hiện vẫn chưa đưa ra bất kì bình luận nào về thông tin này.
Liên quan đến vấn đề xung đột quân sự ở Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói với tờ El País của Tây Ban Nha hồi đầu tháng 5 rằng các cuộc đàm phán hòa bình vẫn chưa thể diễn ra vào thời điểm này.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Brazil và Türkiye đã đề nghị hỗ trợ với tư cách là người hòa giải. Các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột gần như đã sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Ukraine đã rút lui vào đầu tháng 4/2022 với lí do phát hiện ra bằng chứng mà nước này cho là tội ác chiến tranh của Nga ở ngoại ô thủ đô Kiev.
Chính quyền Nga ngay lập tức đã bác bỏ những thông tin trên. Kể từ đó, Kiev đã đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm kêu gọi quân đội Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ nằm trong biên giới năm 1991 của Ukraine. Ukraine cũng yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại và các quan chức của Moscow phải đối mặt với các tòa án về tội phạm chiến tranh. Điện Kremlin đã bác bỏ kế hoạch này là vì cho rằng nó không bám sát thực tế.
Phương Uyên (Theo RT)