"Các chuyên gia đang ở đó (Ukraine) dưới vỏ bọc lính đánh thuê", Tổng thống Putin nói hôm 28/5, bình luận về việc Ukraine ký thỏa thuận cho phép các huấn luyện viên quân sự của Pháp đến các trung tâm huấn luyện của quân đội Ukraine, thông tin trên báo Dân Trí.
"Có một câu hỏi về vũ khí chính xác tầm xa. Ai vận hành những vũ khí này, ai phục vụ chúng? Đương nhiên, chính những huấn luyện viên này cải trang thành lính đánh thuê", ông Putin nói thêm.
"Họ đang có mặt ở đó và đang chịu tổn thất. Và việc che giấu những tổn thất này ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với họ. Có lẽ đã đến lúc phải nói rằng họ chính thức có mặt ở đó để có thể chính thức công bố những tổn thất thực tế", ông Putin cho biết.
Theo Tổng thống Putin, Nga biết rõ thực tế là có lính đánh thuê phương Tây ở Ukraine.
"Về việc lính đánh thuê đang hoặc có thể ở Ukraine, chúng tôi biết rõ điều đó, không có gì mới", ông nói.
Theo báo Telegraph, ngày 27/5, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi cho biết sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu, ông đã ký các giấy tờ cho phép giảng viên quân sự Pháp đến thăm các trung tâm huấn luyện của Ukraine.
Viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, Tướng Syrskyi “hoan nghênh sáng kiến của Pháp gửi giảng viên đến Ukraine để huấn luyện quân nhân Ukraine”, đồng thời cho biết thêm: “Tôi đã ký các văn bản cho phép những giảng viên người Pháp đầu tiên sớm đến thăm các trung tâm đào tạo của chúng tôi và làm quen với cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên ở đó”.
Tướng Syrskyi tin rằng quyết tâm của Pháp sẽ khuyến khích sự tham gia của các đối tác khác, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về đợt triển khai quân đầu tiên của Pháp.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết khả năng này đã được đề cập nhiều lần và việc huấn luyện trên đất Ukraine là một trong những dự án được thảo luận kể từ hội nghị hỗ trợ Ukraine do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì vào ngày 26/2/2024.
Theo Bộ Quốc phòng Pháp, “giống như tất cả các dự án được thảo luận vào thời điểm đó, bước tiếp theo sẽ là chủ đề làm việc với người Ukraine, đặc biệt là để hiểu rõ nhu cầu chính xác của họ”.
Thông tin trên TTXVN, tại hội nghị hỗ trợ Ukraine hồi tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến người ta phải kinh ngạc khi nói rằng “không loại trừ khả năng” phương Tây gửi quân tới Ukraine.
Sự can thiệp này đã gây ra sự chia rẽ trong nội bộ NATO khi các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này cho rằng việc triển khai quân chiến đấu ở Ukraine có thể gây nguy cơ leo thang với Nga.
Hai nước chủ chốt của châu Âu là Anh và Đức đã lên tiếng phản đối đề xuất của ông Macron.
Tuy nhiên, ba quốc gia vùng Baltic - những nước được cho là dễ bị Nga tấn công nhất nếu Moskva thành công trong cuộc chiến chống Ukraine - tỏ ra cởi mở hơn nhiều trước đề xuất của Tổng thống Pháp, nhất là Litva.
Từ hồi tháng 3/2024, Ngoại trưởng Litva, ông Gabrielius Landsbergis đã nói thẳng rằng: “Nga không có quyền nói với chúng ta rằng chúng ta nên giúp đỡ Ukraine như thế nào trong những tháng hoặc trong những năm tới. Công việc của Nga không phải là tổ chức hoạt động cho chúng ta hay đặt ra các ranh giới đỏ. Vì vậy, chúng ta sẽ tự mình quyết định việc này".
Sau đó, vào ngày 8/5 vừa qua, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte đã nói với tờ Thời báo Tài chính (FT) rằng bất chấp các mối đe dọa hạt nhân của Nga, đất nước của bà sẵn sàng gửi quân đến Ukraine để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.