Ngày 14/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định những vũ khí Washington vận chuyển cho chính quyền Kiev sẽ mở rộng cuộc xung đột và khiến nhiều người thiệt mạng.
"Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã quên đề cập việc Washington cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev cũng như việc sử dụng chúng khiến xung đột kéo dài và nhiều người thiệt mạng", bà Zakharova nhận định.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đã hối thúc người dân Mỹ rời khỏi Ukraine ngay lập tức. "Đại sứ quán Mỹ kêu gọi các công dân Mỹ không đến Ukraine và những người đang ở Ukraine hãy sử dụng các phương tiện di chuyển, nếu an toàn, để rời khỏi quốc gia này ngay lập tức. Tránh tập trung đông người và các sự kiện công cộng", cảnh báo này cho hay.
Ngày 8/7, Mỹ tuyên bố sẽ chuyển thêm cho Ukraine 4 hệ thống pháo phản lực tầm trung HIMARS trong khuôn khổ gói viện trợ vũ khí mới trị giá 400 triệu USD.
Tính tới nay, Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với tổng trị giá khoảng 6,9 tỷ USD trong 4 tháng chiến sự. Các lô vũ khí trước đó bao gồm pháo phản lực HIMARS, hệ thống phòng thủ bờ sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không Stinger và chống tăng Javelin, lựu pháo M777, trực thăng Mi-17 và nhiều khí tài bộ binh.
Các nước phương Tây đang đối mặt với thách thức lớn khi chiến sự đã bước qua tháng thứ 5 mà chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,6%, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 9,1%, còn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1%.
Chiến sự Ukraine kéo dài cũng làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Tình trạng này có thể "gây ra làn sóng đói kém chưa từng có", đẩy 49 triệu người vào cảnh thiếu hụt lương thực.
Mộc Miên (Theo Reuters)