Trong vòng vài ngày kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hệ thống tài chính của Nga dường như ở trên bờ vực sụp đổ. Phương Tây đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính, đặc biệt là đối với dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), khiến đồng Rúp lao dốc và người dân đã đổ xô đi rút tiền mặt, theo tờ The Economist.
Sau đó, Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Mặc dù một phần dự trữ tiền tệ của Nga vẫn bị đóng băng, nước này vẫn tạo ra khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc xuất khẩu năng lượng của mình.
Nga đã ngừng công bố số liệu thống kê thương mại hàng tháng chi tiết. Tuy nhiên, số liệu từ các đối tác thương mại của họ có thể được sử dụng để tìm ra những vấn đề đang xảy ra. Họ cho rằng, khi nhập khẩu giảm và xuất khẩu tăng, Nga đang có thặng dư thương mại kỷ lục.
Vào ngày 9/5 (giờ địa phương), Trung Quốc báo cáo rằng xuất khẩu hàng hóa của họ sang Nga đã giảm hơn 1/4 trong tháng 4 vừa qua, so với 1 năm trước đó, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng hơn 56%. Đức báo cáo rằng, tỷ lệ xuất khẩu hàng tháng sang Nga giảm 62% trong tháng 3 và nhập khẩu của nước này giảm 3%. Cộng dồn các dòng chảy như vậy qua 8 đối tác thương mại lớn nhất của Nga, The Economist ước tính rằng tỷ lệ nhập khẩu của Nga đã giảm khoảng 44% kể từ khi tấn công Ukraine, trong khi xuất khẩu của nước này tăng khoảng 8%.
Tỷ lệ nhập khẩu đã giảm một phần do các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga đã khiến người tiêu dùng và các công ty khó mua hàng hóa phương Tây hơn.
Elina Ribakova thuộc Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một nhóm các chủ ngân hàng, nói rằng sự không chắc chắn về quy định lúc đầu cũng là một yếu tố quan trọng, vì các công ty phương Tây không chắc chắn ngân hàng nào của Nga chịu lệnh trừng phạt. Những gián đoạn về mặt hậu cần, bao gồm cả quyết định của các công ty phương Tây về việc đình chỉ giao hàng cho Nga, cũng rất quan trọng. Claus Vistesen thuộc công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, cho biết đồng Rúp giảm giá sớm cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của Nga.
Trong khi đó, xuất khẩu của Nga đã tăng tốt một cách đáng ngạc nhiên, bao gồm cả những mặt hàng hướng đến phương Tây. Các lệnh trừng phạt cho phép việc bán dầu và khí đốt cho hầu hết các quốc gia trên thế giới tiếp tục không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng đột biến đã thúc đẩy doanh thu hơn nữa.
Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng thặng dư thương mại của Nga sẽ đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới. IIF dự đoán rằng vào năm 2022, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga, bao gồm thương mại và một số dòng tài chính, có thể đạt 250 USD (chiếm 15% GDP năm 2021), cao hơn gấp đôi so với 120 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021.
Liam Peach, một nhà tư vấn của Capital Economics, cho biết ngay cả khi nếu EU ban hành đề xuất cấm khai thác dầu của Nga, lệnh cấm vận sẽ được thực hiện chậm đến mức nhập khẩu dầu của khối này từ Nga sẽ chỉ giảm 19% trong năm nay. Theo The Economist, tác động thực sự của các lệnh trừng phạt này sẽ được thể hiện vào đầu năm 2023.
Bích Thảo (Theo The Economist)